Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa có biến động về tỷ giá

Hà Linh| 03/02/2018 07:41

(HNM) - Gần đây, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm, hoặc tỷ giá tham khảo tại sở giao dịch đã khiến không ít người lo ngại về kịch bản tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ (VND/USD) tăng trong những ngày sát Tết Nguyên đán.


Thế giới biến động, trong nước ổn định

Ngày 31-1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.441 VND/USD, không thay đổi so với ngày trước đó. Song, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước lại được điều chỉnh tăng 15 VND/USD ở chiều bán ra (lên 22.710 VND/USD mua vào - 23.094 VND/USD bán ra). Trong khi đó, tỷ giá được niêm yết ở các ngân hàng thương mại vẫn không có sự thay đổi.

Chẳng hạn, Vietcombank và BIDV giao dịch với giá: 22.675 VND/USD (mua vào) và 22.745 VND/USD (bán ra); VietinBank: 22.674 VND/USD (mua vào) và 22.744 VND/USD (bán ra); ACB: 22.670 VND/USD (mua vào) và 22.740 VND/USD (bán ra); Techcombank: 22.665 VND/USD (mua vào) và 22.755 VND/USD (bán ra).

Thị trường ngoại tệ từ nay đến Tết Nguyên đán được dự báo khá bình ổn. Ảnh: Khánh Huy


Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh do giá USD trên thị trường thế giới đột ngột tăng cao so với các ngoại tệ chủ chốt khác khi nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu khả quan. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 23.114 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.768 VND/USD. Như vậy, tỷ giá mà các ngân hàng thương mại công bố vẫn nằm dưới trần được áp dụng.

Rõ ràng, tỷ giá trên thị trường chính thức (là mức giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại) đang được duy trì ổn định trong suốt nhiều tuần qua. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra mức giá tham khảo tại sở giao dịch cao hơn mức giá của ngân hàng thương mại cũng là dấu hiệu cho thấy cơ quan này vẫn đang mua USD vào từ các ngân hàng.

Dự báo, thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán, dòng tiền kiều hối sẽ “đổ” về, nên Ngân hàng Nhà nước có cơ hội tiếp tục nâng cao tỷ lệ dự trữ ngoại hối, bình ổn thị trường ngoại tệ, cũng như chủ động hơn với chính sách tỷ giá. Lượng dự trữ ngoại hối cao sẽ bảo đảm cho Ngân hàng Nhà nước có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá trung tâm cũng tiếp tục là điểm nhấn hỗ trợ điều hành tỷ giá năm 2018.

Tỷ giá có thể tăng?


Trả lời câu hỏi liệu tỷ giá có tiếp tục ổn định trong năm 2018, hay nếu tăng thì trong biên độ bao nhiêu, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tỷ giá có thể sẽ tăng, song mức tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào diễn biến trên thị trường thế giới, cũng như điều kiện kinh tế trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các yếu tố bất định từ thị trường thế giới, đặc biệt từ Mỹ sẽ có những tác động bất lợi tới sự ổn định của tỷ giá USD/VND trong nước; và nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ điều chỉnh tăng ở mức 1-2%. Lý giải cho dự báo này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm 2018 rất cao, bởi FED sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhiều hơn là nới lỏng. Trong trường hợp lãi suất đồng USD được FED điều chỉnh tăng trong năm 2018 sẽ có những tác động đến tỷ giá USD/VND.

Có thể thấy, từ khi có chính sách kéo lãi suất tiết kiệm USD xuống mức 0% và áp dụng tỷ giá trung tâm, thị trường tiền tệ đã được vận hành ổn định. Tâm lý tìm mọi cách để gom USD, tích trữ USD không còn, tình trạng đầu cơ không xảy ra. Dự báo về tỷ giá năm 2018, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ ổn định trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, với xác suất là 95,5%. Nếu tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát trong nước, tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh theo lạm phát vẫn có lợi đối với xuất khẩu Việt Nam.

Trong những kiến nghị về điều hành chính sách cho năm 2018, đối với lĩnh vực tiền tệ, CIEM nhấn mạnh việc theo dõi chặt chẽ diễn biến tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng như qua cán cân thanh toán để có những điều chỉnh phù hợp. Trong điều hành chính sách, cần tránh đề ra các mục tiêu “cứng” đối với công tác điều hành tỷ giá, đồng thời, theo dõi và hạn chế việc găm giữ ngoại tệ ở các tổ chức, ngân hàng thương mại. Kịch bản tăng tỷ giá xảy ra sẽ tác động tới doanh nghiệp, nhưng nếu có những dự báo rõ ràng cho biến động tỷ giá, doanh nghiệp sẽ có phương án chủ động ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa có biến động về tỷ giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.