Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để ngăn nguy cơ nợ xấu?

Hà Linh| 10/03/2018 07:12

(HNM) - Nếu như mấy năm trước, nợ xấu được nhắc đến như một nỗi ám ảnh, thì đến nay người ta đã không còn nói quá nhiều về nó nữa. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là khả năng phát sinh những khoản nợ xấu mới đã bị triệt tiêu. Làm gì để ngăn ngừa nguy cơ này vẫn là vấn đề được nhiều ngân hàng quan tâm.


Nguy cơ từ tín dụng tiêu dùng

Những năm trước, nợ xấu đã từng có lúc làm tắc nghẽn dòng chảy của nền kinh tế, khiến không ít ngân hàng phải rơi vào cảnh sáp nhập, xóa tên. Cùng với những chính sách tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu, thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), những món nợ đã dần được xóa. Theo VAMC, kể từ khi thành lập (năm 2013) đến hết năm 2017, VAMC đã mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Trong đó, VAMC đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng, tổng giá mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng. Về thu hồi nợ, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi 30.700 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, rủi ro nợ xấu trong lĩnh vực vay tiêu dùng cá nhân rất cao do tốc độ tăng trưởng ở thị trường này cao hơn nhiều so với tăng trưởng thu nhập. Bởi vậy, muốn giảm thấp nhất những tác động xấu đến nền kinh tế của việc bùng nổ cho vay tiêu dùng, Việt Nam nên làm theo những biện pháp mà các nước tiên tiến đã sử dụng như cá nhân cũng được phép tuyên bố phá sản như doanh nghiệp, hay thành lập hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân.

Trên thực tế, cho vay tiêu dùng là một trong những sản phẩm ngân hàng phát triển mạnh nhất trong những năm gần đây, do nhu cầu đời sống ngày càng nhiều trong khi thu nhập vẫn còn thấp. Thu nhập bình quân thấp, nhu cầu tăng, nên nhiều người đã không ngần ngại để vay tiền ngân hàng hay công ty tài chính. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng, các ngân hàng cũng triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng, với những điều kiện cho vay đơn giản. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng đang được đánh giá là “bùng nổ”. Mặt lợi của vay tiêu dùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, bằng cách cho phép họ lấy thu nhập trong tương lai, chi tiêu cho nhu cầu hiện tại, từ đó kích cầu tiêu dùng. Song, rủi ro của loại hình này là người vay có nguy cơ không trả được nợ nếu thu nhập không ổn định..

Nâng cao hiệu quả cho VAMC

Để hạn chế rủi ro nợ xấu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam nên cho phép cá nhân phá sản cũng như có hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân. Hiện tại, ở Việt Nam không có phá sản cá nhân. Người vay không trả được nợ vẫn có thể chây ì, trong khi ở nước ngoài, khi vay nợ ngân hàng, nếu không có khả năng trả được nợ, cá nhân sẽ phải tuyên bố phá sản và ngân hàng sẽ đưa ra tòa, tòa án sẽ thanh lý tài sản của cá nhân đó và trả lại cho ngân hàng. Nếu đủ để trả nợ, người vay mới được xóa nợ...

Hạn chế cho vay tiêu dùng, hay cho vay những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... là những biện pháp để xử lý nợ xấu. Cùng với đó, trong năm 2018, VAMC phải bảo đảm xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, để xử lý triệt để nợ xấu, VAMC cần xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2018, tập trung mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, chỉ mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, VAMC kiện toàn mô hình tổ chức, cơ cấu bộ máy, mạng lưới, rà soát, nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi, hoặc ban hành mới các quy định nội bộ liên quan về mua, bán và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để triển khai lộ trình tăng vốn cho VAMC theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt nhằm nâng cao năng lực tài chính cho VAMC để triển khai việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường có hiệu quả. Trong đó chú trọng nâng cao hoạt động trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nguồn vốn điều lệ, từng bước góp phần tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để ngăn nguy cơ nợ xấu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.