Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu thế tất yếu của sự phát triển

Linh Nhi - Thùy Ngân| 17/03/2018 08:02

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 51/KH-UBND ngày 23-2-2018 triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2018-2020.

Ông Trịnh Vũ Hợp, Giám đốc Công ty TNHH Ominsu Việt Nam: Tiết kiệm chi phí, bảo đảm an toàn

Sau khi nghiên cứu Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tôi khẳng định đây là bước đột phá trong việc làm thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong xã hội. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, vấn đề này đã được triển khai từ lâu và việc sử dụng tiền mặt luôn được hạn chế. Nếu đề án được thực hiện thành công, tôi cho rằng đó là một sự tiến bộ rất đáng kể.

Với doanh nghiệp, nếu việc sử dụng tiền mặt hạn chế tới mức tối đa sẽ tiết kiệm được chi phí, đồng thời nỗi lo về an ninh tiền mặt sẽ được loại bỏ. Theo ước tính, mỗi ngày doanh nghiệp như chúng tôi phải luân chuyển lượng tiền hàng trăm triệu đồng. Nếu bảo đảm những yếu tố như trên, chúng tôi sẽ không còn phải bận tâm tới vấn đề an ninh cùng những chi phí phát sinh để bảo đảm lượng tiền đó được luân chuyển an toàn.

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng E-banking, Khối bán lẻ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam:Phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang kết hợp với Sở Công Thương Hà Nội triển khai hệ thống đăng ký doanh nghiệp và mở tài khoản doanh nghiệp online. VietinBank tích cực giải quyết một số khó khăn từ thói quen sử dụng tiền mặt và mua sắm tại các chợ truyền thống hơn là vào siêu thị, hoặc mua online. Một điểm đáng lưu ý là người dân chưa hoàn toàn tin tưởng độ an toàn của giao dịch trực tuyến và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; ý thức bảo mật trong sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng chưa cao; hạn chế về mặt thủ tục như việc công nhận hóa đơn điện tử của một số nhà cung cấp như điện, nước… dẫn đến một số đơn vị chưa thể triển khai thanh toán hóa đơn trực tuyến. Do đó, rất cần sự chung tay của cơ quan chức năng và tuyên truyền của cơ quan báo chí, để mọi người yên tâm sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO:Nên quy định trần giá trị giao dịch tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt tất yếu sẽ trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất trong tương lai gần. Phương thức này góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện các giao dịch trên thị trường. Thực trạng trong các giao dịch ở Việt Nam, tiền mặt vẫn đang là phương thức thanh toán chủ yếu, kéo theo khá nhiều hệ lụy cho xã hội, là môi trường lý tưởng cho các hoạt động tội phạm trú ẩn như tham nhũng, rửa tiền... Vậy nên, việc UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 51/KH-UBND là cần thiết. Tuy nhiên, trong kế hoạch cần có sự phân định rõ nhiệm vụ, khả năng thực thi và hành động cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước cùng đội ngũ công chức. Về những vấn đề như phát triển hệ thống chấp nhận thẻ - POS, hệ thống ATM… thực chất là vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của các ngân hàng, UBND thành phố nên có cơ chế hỗ trợ và phối hợp với các ngân hàng cùng triển khai. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hoặc Quốc hội quy định mức giới hạn trần giá trị cho giao dịch tiền mặt, để từ đó, nếu các giao dịch có giá trị vượt trên mức trần sẽ bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng nhằm hạn chế tiền mặt trong các giao dịch thanh toán.

Bà Lê Thị Phương (quận Hoàn Kiếm): Tránh được tình trạng “ném” tiền qua cửa sổ

Tôi rất ủng hộ việc bỏ thanh toán tiền mặt, bởi như vậy rất thuận tiện cho mọi người. Cụ thể, với giao dịch tiêu dùng như trả tiền điện, nước, học hành, viện phí... vừa tiết kiệm thời gian vì không cần xếp hàng hay đi nộp trực tiếp, vừa giảm nhân lực cho ngành chức năng, giảm chi phí liên quan và trả lương nhân viên. Ngoài ra còn một ưu điểm nữa là rất an toàn cho mọi người vì không phải mang theo ví tiền... Hơn thế, việc bỏ thanh toán tiền mặt là phương thức tốt nhất để các bậc phụ huynh kiểm soát con em mình khỏi mang tiền “ném” vào những địa điểm, trò chơi, đồ dùng, vật dụng vô bổ, lãng phí. Việc này giúp kiểm soát, giáo dục... hiệu quả hơn với những chủ nhân tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế tất yếu của sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.