Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực tỷ giá tăng nhưng không quá lo ngại

Hương Thủy| 08/06/2018 14:09

(HNMO) - Tỷ giá USD/VND vừa có đợt biến động mạnh khi tăng 80 VND, lên 22.890 VND. Theo một số chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá biến động như vậy. Từ nay đến cuối năm, áp lực tỷ giá tăng nhưng không quá lo ngại.


Biến động mạnh


Đợt biến động tỷ giá USD/VND bắt đầu vào ngày 28-5 khi giá USD được nhiều ngân hàng thương mại tăng phổ biến 20 VND sau một thời gian ổn định. Chẳng hạn, Vietcombank tăng 20 VND mỗi USD, lên 22.775 VND-22.845 VND (mua vào-bán ra); ACB và Eximbank niêm yết ở mức 22.780 VND-22.850 VND, tăng 20 VND; SCB tăng 15 VND, lên 22.780 VND-22.850 VND; Sacombank tăng lên 22.778 VND-22.860 VND.

Sau đó, giá đồng bạc xanh tiếp tục đi lên và đỉnh điểm là ngày 30-5, giá bán ra lên mức phổ biến 22.890 VND, đặc biệt, có nhà băng niêm yết trên mức 22.900 VND. Trong đợt biến động này, giá USD đã tăng tổng cộng 70-80 VND.

(Ảnh: Internet)


Trước diễn biến trên, ngày 1-6, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tới 29 VND tỷ giá trung tâm giữa VND với USD, xuống 1 USD=22.566 VND. Vì vậy, các ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh giá USD. Vietcombank đưa giá đồng bạc xanh về mức 22.760 VND-22.830 VND; ACB niêm yết là 22.760 VND-22.830 VND; SCB để ở mức 22.765 VND-22.835 VND…

Bước sang tuần này, ngày 4-6, giá USD tăng trở lại, bán ra phổ biến là 22.845-22.850 VND. Mức giá trên được duy trì trong nhiều phiên của tuần.

Theo một số chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá biến động mạnh như vậy, có nguyên nhân từ bên ngoài nhưng cũng có nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế.

Trước hết, đó là nhu cầu về USD tăng lên khi tỷ lệ lạm phát tăng nhanh trong tháng 5. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,55% so với tháng trước, là tháng 5 có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Cùng với đó, tháng 5 đánh dấu sự quay trở lại nhập siêu sau nhiều tháng xuất siêu. Cũng số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nhập siêu tháng 5 ước tính 500 triệu USD. Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán có thể liên quan đến việc rút vốn khỏi các thị trường mới nổi do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cũng tác động đến tỷ giá.

Yếu tố bên ngoài là giá USD trên thị trường thế giới tăng mạnh. 5 tháng đầu năm nay chỉ số USD tăng 1,8% trong khi cả năm 2017 USD mất giá 9,6%.

Dù biến động mạnh nhưng tỷ giá USD/VND chưa đạt mức trần, cho thấy thanh khoản của thị trường ngoại hối vẫn tương đối tốt.

Không quá lo ngại


Dự báo về tỷ giá từ nay đến cuối năm, chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định, nhìn chung năm nay áp lực tỷ giá lớn hơn so với năm trước, vì đồng USD đang có đà tăng giá trở lại bởi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực và Fed tiếp tục tăng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cũng lớn hơn so với năm 2017. Áp lực tỷ giá lớn hơn còn bởi Fed tăng lãi suất khiến lãi suất ngoại tệ trên thế giới tăng, làm đồng USD tăng giá, tạo áp lực cho tỷ giá USD/VND.

“Áp lực tỷ giá gia tăng nhưng cơ bản không quá lo ngại về rủi ro tỷ giá bởi vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Sở dĩ chuyên gia này nhìn nhận như vậy, bởi theo ông, quan hệ cung-cầu ngoại tệ vẫn ổn. Nguồn cung ngoại tệ khá tốt khi mà thương mại thặng dư, giải ngân dòng vốn FDI tốt, kiều hối được dự báo vẫn tích cực, du lịch quốc tế và giải ngân ODA tích cực. Cầu ngoại tệ tăng lên nhưng nguồn cung đáp ứng được.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiên định chính sách về tỷ giá trung tâm, điều hành tỷ giá linh hoạt.

Yếu tố nữa hỗ trợ cho tỷ giá là lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng tốt thời gian qua (đạt 64 tỷ USD), tạo bước đệm để tăng niềm tin đối với VND cũng như khả năng chống chọi với cú sốc ở thị trường nước ngoài.

Cùng quan điểm trên, tại một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán MB nhận định, trong ngắn hạn và trung hạn, đồng VND vẫn chịu áp lực giảm giá. Tuy nhiên, các yếu tố tích cực như thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối mức cao hỗ trợ đồng VND rất nhiều khiến cho VND trong dài hạn khó giảm sâu.

Trong khi đó, tại báo cáo về thị trường tài chính tiền tệ tháng 5 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, tỷ giá trong nước hiện vẫn được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố. Với dự trữ ngoại hối kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có thể sẵn sàng can thiệp điều tiết thị trường khi cần thiết.

“Tuy vậy, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp là những ẩn số cho thị trường ngoại hối, đòi hỏi cần phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ”, SSI nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực tỷ giá tăng nhưng không quá lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.