Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đọc đúng “bệnh”, “trị” dứt điểm

Quốc Bình| 18/07/2017 07:05

(HNM) - Ngày 4-7-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU. Ảnh: Viết Thành


Thực trạng đáng lo ngại

Một số vụ việc phức tạp xảy ra gần đây trên địa bàn TP Hà Nội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải có giải pháp tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, gắn với giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, 30 quận, huyện, thị xã và các ban đảng Thành ủy đã cùng vào cuộc rà soát, phân tích, tổng hợp về những vụ việc phức tạp tại cơ sở chưa được giải quyết dứt điểm, có nguy cơ hình thành “điểm nóng”. Kết quả cho thấy, hiện có 200 vụ việc, liên quan đến địa bàn 164 xã, phường, thị trấn (chiếm 28% tổng số xã, phường, thị trấn của thành phố). Theo phân tích của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, trong số 200 vụ việc đó, phần lớn vụ việc phức tạp liên quan đến 3 lĩnh vực: Quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể, có 83 vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai (41,5%), 55 vụ việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (27,5%) và 26 vụ việc liên quan đến quản lý trật tự xây dựng (13%). Còn lại là các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực như môi trường, rác thải; tôn giáo; chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa; dồn điền, đổi thửa; xây dựng hạ tầng nông thôn mới… Đặc biệt, có 17 vụ việc trên địa bàn 23 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã có tính chất nghiêm trọng, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kết quả rà soát, phân tích còn khẳng định, về tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố ở những địa bàn có vấn đề phức tạp nhìn chung ổn định. Mặc dù vậy, ở nhiều địa phương, nội bộ chưa đoàn kết, năng lực cán bộ còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thiếu tính thuyết phục, có hiện tượng né tránh, ngại va chạm… Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội chỉ rõ 9 nhóm nguyên nhân chủ quan từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Đáng chú ý, ở một số địa bàn phức tạp, công tác cán bộ còn bị động, có nơi vai trò lãnh đạo công tác cán bộ của cấp ủy cấp trên hạn chế do không đánh giá hết tình hình, không có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả. Tình trạng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ ở phường, xã, thị trấn, nhất là đối với các xã khá phổ biến. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp xã yếu về năng lực, phẩm chất đạo đức, vi phạm khuyết điểm bị xử lý kỷ luật làm mất niềm tin của nhân dân địa phương. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể cấp ủy cơ sở có lúc, có nơi còn mờ nhạt, thậm chí tê liệt trước diễn biến phức tạp. Công tác đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên có nơi chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn.

Vào cuộc bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất

Tình hình thực tế nêu trên cho thấy cần có giải pháp cấp thiết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả để củng cố tổ chức cơ sở Đảng, gắn với giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề phức tạp đang tồn tại. Nghị quyết số 15-NQ/TU ra đời đã đáp ứng yêu cầu đó. Đây là việc làm cụ thể nhằm thực hiện một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra, là giải pháp quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội quán triệt, triển khai, Nghị quyết 15-NQ/TU đã nhận được sự ủng hộ, quyết tâm vào cuộc thực hiện thắng lợi của nhiều cấp, nhiều ngành. Các đại biểu là bí thư các quận, huyện ủy, giám đốc các sở, ngành đều khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp đã được chỉ ra. Trong đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng, Nghị quyết 15-NQ/TU có ý nghĩa quan trọng và được ban hành rất kịp thời. Với 4 vụ việc đáng quan tâm trên địa bàn, Gia Lâm sẽ quyết tâm giải quyết dứt điểm. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng khẳng định, Huyện ủy Ba Vì sẽ không những tập trung khắc phục những đảng bộ yếu kém, mà còn tập trung rà soát những đảng bộ có biểu hiện phức tạp, các tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” để có giải pháp phòng ngừa.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh cho biết, tháng 11-2017, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU nhằm xem xét cụ thể từ nay đến cuối năm, trong số 200 vụ việc phức tạp sẽ giảm được bao nhiêu vụ việc. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng sẽ hướng dẫn ủy ban kiểm tra cấp ủy các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tập trung thực hiện Nghị quyết.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh: Thành ủy đã giao trách nhiệm cụ thể trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp cho bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Các đồng chí cần đề cao trách nhiệm, chủ động tích cực tự kiểm tra, giám sát để bảo đảm Nghị quyết số 15-NQ/TU đi vào đời sống, đem lại hiệu quả rõ nét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đọc đúng “bệnh”, “trị” dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.