Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ “chấm điểm” cán bộ

Hiền Lương - Lê Thu Hường| 19/09/2017 07:22

(HNM) - Đảng bộ quận Tây Hồ (TP Hà Nội) là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước chủ động xây dựng quy trình, tiêu chí “chấm điểm” hằng năm đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý.


Bí thư Đảng ủy phường Xuân La (quận Tây Hồ) đối thoại với người dân trên địa bàn.


Nhiều cấp tham gia đánh giá cán bộ


Năm 2017 là năm thứ tư, quận Tây Hồ thực hiện kiểm điểm, đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý theo quy trình và Quyết định số 1288-QĐ/QU, ngày 7-11-2013 của Ban Thường vụ Quận ủy. Theo đó, hằng năm, mỗi cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý đều phải trải qua quy trình đánh giá bắt buộc gồm nhiều bước, chặt chẽ.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí chức danh, Ban Thường vụ Quận ủy đề ra các tiêu chí cụ thể, chi tiết trong bảng điểm. Bước đầu tiên là cán bộ tự chấm điểm cho mình. Bảng điểm tự chấm được báo cáo tại hội nghị đảng ủy để đánh giá; gửi các đơn vị cấp dưới làm căn cứ chấm điểm cấp trên và gửi các đơn vị ngang cấp làm căn cứ chấm điểm chéo. Ví dụ, bí thư chi bộ tổ dân phố chấm điểm bí thư đảng ủy phường; phó chủ tịch UBND phường phụ trách đô thị chấm điểm lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị; Ban Dân vận Quận ủy chấm điểm chéo Ban Tuyên giáo Quận ủy... Kết quả chấm điểm của các cơ quan liên quan đối với từng cán bộ được tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy để xem xét, quyết định đánh giá chính thức.

Điểm nổi bật về cách đánh giá cán bộ của quận Tây Hồ là bảng điểm được xây dựng với thang điểm 100, chia thành từng nội dung cụ thể. Bảng điểm gồm 4 nhóm nội dung chính là: Tư tưởng chính trị; phẩm chất đạo đức lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật. Trong đó, riêng phần “thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao” chiếm 60% tổng số điểm. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Mạnh Tiến, với quan điểm đề cao trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ, Ban Thường vụ Quận ủy quy định, dù đạt tổng điểm trên 90, nhưng điểm thực hiện chức trách nhiệm vụ không được xếp vào hạng xuất sắc, thì cán bộ đó cũng không được đánh giá là xuất sắc.

Sau khi có kết quả đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Quận ủy ban hành thông báo công khai tại cơ quan, đơn vị để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục theo dõi, giám sát. Mỗi mục cán bộ bị chấm điểm thấp, người chấm phải ghi rõ lý do. “Gần 4 năm nay, nhờ đánh giá thực chất, số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý đạt xuất sắc giảm, nhưng chưa có trường hợp nào thắc mắc, khiếu nại” - đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến cho hay.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Bí thư Đảng ủy phường Xuân La Trần Quang Đạo là một trong 13 cán bộ cấp phường thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý. 10 năm làm Bí thư Đảng ủy phường, trong đó có gần 4 năm thực hiện theo Quyết định số 1288-QĐ/QU, đồng chí Trần Quang Đạo cho biết: “Năm đầu tiên, chúng tôi phải mất khoảng 2 tháng làm quen, năm tiếp theo phải dành 1 tháng để đánh giá cán bộ. Nhưng hiệu quả thì trông thấy, cán bộ có trách nhiệm hơn, có ý thức tự hoàn thiện mình. Công việc nhờ thế cũng được đẩy nhanh hơn”. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Mạnh Tiến, với yêu cầu chấm điểm theo chiều dọc và chiều ngang, mối quan hệ công tác trong đội ngũ cán bộ nói riêng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị nói chung được nâng cao. “Trong quá trình công tác, nếu không bám sát công việc, tích cực trao đổi, phối hợp, giám sát lẫn nhau thì cuối năm rất khó chấm điểm. Quy trình chặt chẽ này cũng không cho phép chấm điểm một cách tùy tiện” - đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến nhìn nhận.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, quy trình quận đang triển khai vừa thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 27-HD/BTCTƯ của Ban Tổ chức Trung ương về “Kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hằng năm”, vừa thể hiện tinh thần chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quan trọng hơn, từ đây, Ban Thường vụ Quận ủy có cơ sở để đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ. “Đồng chí nào sau 2-3 năm được đồng nghiệp, đồng chí đánh giá cao sẽ được Ban Thường vụ Quận ủy xem xét, đưa vào quy hoạch chức danh cao hơn. Ngược lại, đồng chí nào bị đánh giá ở mức thấp sẽ bị xem xét chuyển công tác hoặc đưa ra khỏi quy hoạch” - đồng chí Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Lâu nay, công tác đánh giá cán bộ vẫn được cho là còn nhiều bất cập. Đánh giá cán bộ chính xác thì các khâu tiếp theo là quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ mới thực chất, hiệu quả. Đánh giá cán bộ không chính xác sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đây chính là lý do Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89-QĐ/TƯ “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp” và Quy định số 90-QĐ/TƯ “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Cách làm của quận Tây Hồ thể hiện tinh thần sáng tạo, đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương; khẳng định quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ - khâu quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ “chấm điểm” cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.