Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên đã “sôi”, dưới phải “nóng”

Quốc Bình| 03/10/2017 07:11

(HNM) - Thời gian qua, với sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều sai phạm của đảng viên và tổ chức Đảng đã bị đưa ra ánh sáng, trong đó có những cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.


Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án 51 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.


Đã có đà đẩy lùi tham nhũng

Thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khiến niềm tin trong xã hội được nhân lên. Không chỉ vậy, nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử nghiêm là minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng và tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong đó, phải kể đến, việc Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án 51 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, với những hình phạt hết sức nghiêm khắc.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, việc xử lý kỷ luật cán bộ với thái độ nghiêm túc, kiên quyết của Trung ương sẽ là bài học cho đội ngũ cán bộ cả nước nói chung và cán bộ chủ chốt của các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành rút kinh nghiệm. Theo ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ vai trò, vị trí, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ khi xem xét, đánh giá và đề nghị kỷ luật các cán bộ cấp cao vi phạm. Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), việc công khai kỷ luật cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao như các thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua là điều rất quan trọng. Mỗi lần xử lý cán bộ và công khai, minh bạch như vậy sẽ làm tăng sức mạnh của Đảng, tăng niềm tin của nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Lê Đức Bình (đảng viên 40 năm tuổi Đảng, ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) nói: “Khí thế đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng ngày càng cao và tạo được niềm tin mạnh mẽ. Đây là đà rất tốt để thực hiện quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí mà Đảng ta đã đề ra”.

Dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị của ngành kiểm tra Đảng: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, PGS.TS Phạm Ngọc Anh rất ủng hộ quan điểm này và cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân.

Không để “lò” nguội lạnh

Đánh giá cao kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn Đảng làm mạnh, làm hiệu quả hơn nữa. Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với Chính phủ về việc tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi toàn quốc để tăng thêm sức mạnh, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng, không chỉ chính quyền mà cả các cấp ủy Đảng cũng phải thực hiện rà soát, kiểm tra lại toàn bộ việc bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện được điều đó sẽ giúp làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo, quản lý nhà nước. Cùng quan điểm này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, tổng kiểm tra sẽ cho thấy bức tranh toàn diện về việc bổ nhiệm cán bộ, chỉ ra được những hạn chế, sai phạm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là khi phát hiện sai phạm thì xử lý, chấn chỉnh thế nào để chặn đứng được các hiện tượng này.

Một số ý kiến cho rằng, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng hiện nay, trên Trung ương đã “sôi”, nhưng dường như dưới địa phương, bộ, ngành vẫn chưa “nóng”. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nếu mới chỉ thấy sự kiên quyết, hiệu quả ở cấp trung ương thì người dân chưa thể yên tâm, chưa coi là quyết tâm của toàn Đảng.

Cùng quan điểm này, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, công tác đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái thời gian qua cho thấy sự kiên quyết của Trung ương, nhưng còn hiện tượng ỷ lại, trông chờ ở một vài nơi dưới cơ sở. Theo ông, phải luôn đốt lên "lò lửa" đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái, không được để nguội lạnh; phải tìm mọi cách để phát động nhân dân góp ý với Đảng, giúp Đảng giám sát và quản lý cán bộ, đảng viên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trên đã “sôi”, dưới phải “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.