Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần sự chuyển động đột phá

Hiền Lương - Hương Ly| 19/01/2018 07:31

(HNM) - Sau 6 tháng triển khai sâu rộng trên toàn thành phố, bên cạnh kết quả tích cực bước đầu, tình hình thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng bộc lộ hạn chế đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết liệt hơn để tạo chuyển động đột phá.


Huyện Mê Linh là một trong những địa phương chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đã củng cố tổ chức và hoạt động một số tổ chức cơ sở Đảng đạt hiệu quả rõ nét. Nhưng tính đến hết năm 2017, huyện chưa giải quyết dứt điểm được vụ việc nào trong số 7 vụ việc xảy ra trên địa bàn theo thống kê của thành phố.

Buổi đối thoại giữa lãnh đạo huyện Phú Xuyên với người dân về việc xây dựng trạm biến áp 110kV. Ảnh: Nguyễn Trường


Theo thống kê của Ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đến nay còn 118 vụ việc chưa được giải quyết xong, gồm: 16 vụ việc thuộc thẩm quyền các cơ quan thành phố, 102 vụ việc thuộc thẩm quyền các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. 25/30 quận, huyện, thị xã chưa giải quyết xong những vụ việc trên địa bàn. Phần lớn trong số 17 vụ việc phức tạp, có nguy cơ trở thành “điểm nóng” cần được quan tâm chỉ đạo tập trung theo Báo cáo số 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội thống kê trước đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Số vụ việc phức tạp do các quận, huyện, thị xã tự rà soát để tập trung giải quyết vẫn còn 200/326 vụ, chiếm hơn 61%. Trong đó, 53 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thành phố; 94 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các quận, huyện, thị xã; 53 vụ thuộc thẩm quyền các xã, phường, thị trấn. Tính đến đầu tháng 12-2017, mới có 23/86 tổ chức cơ sở Đảng được củng cố về tổ chức và hoạt động. Phần lớn trong số 86 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc 18 quận, huyện, thị ủy còn tồn tại những vấn đề cần quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động vẫn chưa được hoàn thành.

Ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU đánh giá, số lượng các vụ việc phức tạp, có tính chất đông người chưa giảm nhiều. Một số vụ việc mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tình hình tạm thời ổn định, nhưng chưa giải quyết được tận gốc, còn tiềm ẩn phức tạp trong thời gian tới. Trong khi đó, một số cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU chưa đề ra các giải pháp cụ thể.

Chưa kể, việc rà soát, đánh giá chất lượng tổ chức và hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng thời gian qua chưa phản ánh đúng thực chất tình hình. Đáng chú ý, không ít nơi, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra những vụ việc phức tạp, còn nặng về đổ lỗi tại cơ chế, né tránh trách nhiệm...

Vượt khó, tăng trách nhiệm


Tỷ lệ các vụ việc phức tạp chưa được giải quyết còn cao cùng với những hạn chế nêu trên đã nói lên tính chất khó khăn, phức tạp của việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đặt ra suy nghĩ về những việc cần phải làm để tạo bước tiến mới trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ năm 2018. Đồng tình với lựa chọn này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, Ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo khắc phục những mặt còn hạn chế, tiếp tục thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý: “Cấp ủy, chính quyền phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Các cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm và dự báo tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp”.

Đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, công tác cán bộ đi trước một bước, cần lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức, nhất là với những đơn vị, địa bàn có vị trí hoặc được giao các nhiệm vụ chính trị quan trọng, nặng nề để tránh những phức tạp phát sinh do cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế ngay. Những địa bàn đặc biệt phức tạp cần quan tâm có giải pháp tập trung, khi cần thiết phải có phương án đặc thù về cán bộ.

Yêu cầu quan trọng nữa trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU thời gian tới là phải tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có 118/200 vụ theo Báo cáo 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy và 200 vụ việc do các địa phương tự rà soát. “Đây vừa là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ rõ. Trong năm nay, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU.

Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là trung tâm đoàn kết, quy tụ, tập hợp mọi lực lượng ở cơ sở thành một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị… Nhận thức thấu suốt quan điểm này, các cấp, các ngành sẽ thấy rõ ý nghĩa sâu sắc của Nghị quyết 15-NQ/TU, để cùng bắt tay quyết tâm hành động, tạo bước chuyển đột phá ngay trong những tháng đầu, quý đầu của năm 2018. Thực hiện tốt Nghị quyết 15-NQ/TU còn là “đòn bẩy” để các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần sự chuyển động đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.