Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Hiền Lương| 10/03/2018 07:08

(HNM) - TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là mấu chốt để thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”. Trong đó, thành phố lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

“Khu dân cư điện tử” phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) có dấu ấn “dám nghĩ, dám làm” của người đứng đầu từ quận đến tổ dân phố. Ảnh: Ngọc Hà


Xu hướng tích cực

Thời gian qua, TP Hà Nội luôn chú trọng đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức. Năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 5 chỉ thị, 4 quy chế, 7 quy định, 1 thông tri và 30 kế hoạch nhằm triển khai các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy. Trong mỗi văn bản, trách nhiệm người đứng đầu đều được xác định rõ, nhất là bí thư cấp ủy.

Thực hiện sự lãnh đạo của Thành ủy, cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu bằng các quy chế, quy định. Trong các cuộc làm việc với thành phố, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương đều khẳng định, một trong những chuyển biến rõ nét của Hà Nội là đã hình thành hệ thống quy chế, quy định đồng bộ từ cấp thành phố tới cơ sở trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Đến nay, quy chế đã thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố, tạo điều kiện để người dân giám sát, từ đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Năm 2017, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy cũng đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng ngày càng thực chất; nhất là đã thí điểm đánh giá đảng bộ cấp trên cơ sở. Từ kết quả đánh giá, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền uy tín thấp, hiệu quả công tác không cao đã được thay thế. Rõ nhất là huyện Ứng Hòa đã thay thế 3 bí thư, chủ tịch UBND xã...

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, trong khối cơ quan hành chính, ngày 25 hằng tháng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải báo cáo Chủ tịch UBND về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đề cao vai trò người đứng đầu, nổi bật là trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phản biện 354 văn bản của thành phố. Từ đó, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đã tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân.

Triển khai đồng bộ giải pháp


Xu hướng đề cao trách nhiệm đã được khẳng định, nhưng hiện tượng cán bộ đứng đầu chưa gương mẫu, né tránh... công việc vẫn còn. Đây cũng là nội dung được chỉ ra trong các báo cáo kiểm điểm của cấp ủy Đảng vừa qua.

Thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” trong năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong toàn hệ thống chính trị. Tất cả những hạn chế, yếu kém, tồn tại hoặc sai sót xảy ra phải được quy về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu, không để tình trạng trách nhiệm chung chung. Chẳng hạn, những nơi buông lỏng quản lý để xảy ra điểm nóng; không nghiêm túc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các kết luận thanh tra, kiểm tra... thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cán bộ đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng sẽ được quan tâm từ khâu đánh giá, quy hoạch, đến đào tạo, bồi dưỡng và điều động, luân chuyển. Cùng với việc tiếp tục đổi mới đánh giá cán bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc. Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, các chức danh như bí thư, chủ tịch UBND cấp xã sẽ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, bảo đảm đến năm 2020 có 100% cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tinh thần đổi mới, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đang được triển khai rộng khắp trong hệ thống chính trị thành phố. Hầu hết các cấp ủy đều xác định đây là mấu chốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tại quận Long Biên, Bí thư Quận ủy Đỗ Mạnh Hải cho biết, quận xác định người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước lãnh đạo quận về toàn bộ công việc thuộc thẩm quyền, ngay cả khi đã phân công hoặc ủy quyền cho cấp phó. Trong khi đó, theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, huyện sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác nắm bắt, xử lý thông tin báo chí phản ánh và các vấn đề được dư luận quan tâm.

Quyết tâm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền thành phố đã rõ. Việc còn lại là phải được chuyển hóa thành hành động của chính những cán bộ giữ vai trò, vị trí đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.