Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bốn dấu ấn công nghệ tại Tech Awards 2017

Theo VnExpress| 16/01/2018 12:00

Bên cạnh việc vinh danh các sản phẩm xuất sắc, Tech Awards cũng nhìn lại những điểm nhấn của công nghệ năm qua tại Việt Nam.


Thanh toán di động bùng nổ



Đã xuất hiện từ vài năm qua, nhưng trong năm 2017, thanh toán di động đã bùng nổ ở Việt Nam với các hình thức phong phú như ví điện tử, mã QR (QR Code)... Đặc biệt, lần đầu tiên người dùng trong nước có thể chạm smartphone vào các máy POS để thanh toán. Từ ngày 28-9-2017, người sở hữu một số dòng điện thoại Galaxy của Samsung tại Việt Nam có thể "quẹt" điện thoại để trả tiền mà không cần dùng thẻ hay tiền mặt.

Thanh toán điện tử nói chung và thanh toán di động ở Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh thời gian tới bởi tỷ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, cùng với hạ tầng công nghệ phục vụ cho ngành tài chính được cải thiện. Riêng độ phủ của mạng lưới máy POS cũng đang rất thuận lợi.

Xu hướng smartphone tràn viền



Năm 2007, smartphone màn hình cảm ứng điện dung hỗ trợ đa điểm bắt đầu nở rộ nhờ sự ra đời của iPhone thế hệ đầu. Đến 2011, khái niệm phablet - điện thoại lai máy tính bảng có kích thước màn hình lớn - trở thành xu hướng với sự tiên phong của Samsung cùng dòng Galaxy Note. Năm 2017, một xu hướng công nghệ màn hình mới nổ ra - màn hình tràn viền. Gần như tất cả các nhà sản xuất điện thoại đều tung ra smartphone theo thiết kế này, từ Apple, Samsung, LG, Google cho tới Xiaomi, Oppo, Huawei hay Vivo.

Thị trường Việt Nam đón nhận gần 20 mẫu điện thoại có màn hình tràn viền trong năm qua, có thể kể đến các sản phẩm cao cấp như Galaxy S8, Galaxy Note8, iPhone X, U11+ cho tới các model giá tầm trung Oppo F5, Nova 2i, thậm chí có cả smartphone thương hiệu Việt.

Công nghệ AI bùng nổ trên smartphone


Trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi là AI, đã xuất hiện trên điện thoại từ lâu, có thể kể đến trợ lý ảo Apple Siri, Google Assistant và mới nhất là Samsung Bixby. Tuy nhiên, trong năm 2017, các giải pháp AI trên smartphone không còn giới hạn ở các phần mềm tương tác bằng giọng nói mà đã mở rộng ra các bộ vi xử lý và camera.

iPhone X được Apple trang bị chip A11 Bionic với bộ vi xử lý Neural Engine, Huawei đưa công nghệ AI vào chip Kirin cho điện thoại Mate 10. Cách đây một tháng, Qualcomm công bố Snapdragon 845 tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp xử lý các tác vụ thông minh hơn, quản lý hiệu năng hiệu quả hơn... Trong khi đó, không cần sử dụng tới hai camera ở mặt sau như nhiều smartphone hiện nay, Pixel 2 vẫn có thể cho ra đời những bức ảnh xóa phông ấn tượng. Điện thoại của Google đạt được điều đó nhờ sử dụng thuật toán AI để tạo hiệu ứng chiều sâu khi chụp. Phiên bản Oppo 5 cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích chi tiết khuôn mặt, giúp chụp ảnh selfie nhanh và đẹp hơn. Tại Việt Nam, công ty Bkav cũng cho ra đời Bphone 2017 với camera AI hỗ trợ lấy nét nhanh, cải thiện chất lượng chụp ảnh.

Bkav đánh lừa được FaceID của Apple


Trong lễ công bố iPhone X ngày 9-9-2017, Apple cho biết đã làm việc với các chuyên gia hóa trang của Hollywood để giúp công nghệ bảo mật FaceID phát hiện được mặt nạ và từ chối mở khoá điện thoại.

Ngay khi iPhone X được bán ra ngày 3-11-2017, tạp chí uy tín Wired bỏ ra cả nghìn USD để tạo chiếc mặt nạ với sự hỗ trợ của chuyên gia hóa trang nhưng cũng không qua mặt được Face ID trên iPhone X. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, vào ngày 11-11, Bkav chia sẻ video cho thấy họ đã thành công trong việc tạo mặt nạ đánh lừa AI trên iPhone, khiến điện thoại nhận diện cả mặt của chủ nhân lẫn mặt nạ. Video gây sửng sốt giới bảo mật và truyền thông ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nhưng còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Trước những hoài nghi của truyền thông, cuối tháng 11, Bkav tung ra video thứ hai, thực hiện quá trình thiết lập FaceID từ đầu và được tạp chí Forbes đánh giá là "thuyết phục". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn dấu ấn công nghệ tại Tech Awards 2017

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.