Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng: Cần thêm chính sách "mở"

Hà Linh| 07/08/2017 06:47

(HNM) - Nền kinh tế đã có những bước chuyển mạnh mẽ, nhưng không phải đã

Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: Viết Thành


Bên thiếu niềm tin, bên không đủ điều kiện

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể "gõ cửa", đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng, song, việc tiếp cận của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, báo cáo tài chính...

Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vay vốn ngân hàng. Thống kê có khoảng 70% doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn mặc dù đã có nhiều chính sách tăng trưởng tín dụng cho khu vực. Bởi vậy, khi có nhu cầu đầu tư, những doanh nghiệp này lại phải tìm đến những nguồn như vay người thân và vay ngoài với lãi suất và rủi ro cao. Không tiếp cận được vốn từ ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân khó tăng trưởng.

Ông Tô Hoài Nam cũng nhận định, ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin với doanh nghiệp tư nhân. Đây là vấn đề cốt lõi. Chính sách của ngân hàng quá thận trọng và theo hướng doanh nghiệp phải thay đổi, ngân hàng không thay đổi. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân lại không chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phương án vay vốn, báo cáo tài chính không theo chuẩn quy định của ngân hàng, nguồn vốn đối ứng và giá trị tài sản thế chấp thấp...

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Đó là, về khách quan, doanh nghiệp tư nhân chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên có xu hướng sử dụng vốn tự có. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng còn cao so với mức lãi suất các nguồn vốn họ có thể tự lo. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân không có đủ điều kiện vay vốn.

Những biện pháp hỗ trợ

Khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, cá nhân đang rất cần vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.


Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đặt lãi suất trần cho các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp… Các tổ chức tín dụng chủ động đưa ra một số chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay USD với quy mô 23 triệu USD, lãi suất 3 - 4%/năm; Ngân hàng TMCP Bản Việt có chương trình “Kết nối Bản Việt - SME” với quy mô 600 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có chương trình “SE top-up” cho vay tín chấp tới 3 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng ngân hàng cần thay đổi tư duy. Thay vì chỉ nhìn vào những doanh nghiệp dễ gặp rủi ro, ngân hàng nên lọc ra các doanh nghiệp tiềm năng. Đồng thời, bên cạnh việc thiết kế những điều kiện cho doanh nghiệp vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, ngân hàng cũng nên tính đến việc cho doanh nghiệp vay tín chấp thay vì thế chấp tài sản bảo đảm.
Ở góc độ khác, một giải pháp được đưa ra là những doanh nghiệp nhỏ nên liên kết với nhau, thực hiện mua bán, sáp nhập để có thể cạnh tranh, cũng như đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng.

Riêng đối với Hà Nội, mới đây, UBND thành phố đã ban hành Công văn 3643/UBND-KT về phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành ngân hàng trên địa bàn đánh giá, nhận diện những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; đẩy mạnh thực hiện và phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển, quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn; đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng trên địa bàn huy động được 1.700.000 tỷ đồng, cả cho vay và đầu tư đến nay gần 1.500.000 tỷ đồng, nên đang thừa vốn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để tích cực hỗ trợ tín dụng lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng: Cần thêm chính sách "mở"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.