Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Thanh Hải| 30/05/2018 07:34

(HNM) - Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại và xuất xưởng thành công lô sản phẩm đầu tiên (xăng RON 92) đã đánh dấu mốc quan trọng không chỉ riêng với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), mà còn đối với cả nền công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam. Với thành công này, nước ta sẽ hạn chế lượng hàng nhập khẩu, tránh được sức ép về giá và từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.


Dòng dầu mới mang thương hiệu Việt

Sự kiện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa xuất xưởng thành công lô sản phẩm đầu tiên xăng Ron 92 (Mogas 92) vào đầu tháng 5-2018 đã đánh dấu bước phát triển mới của nền công nghiệp chế biến dầu khí nước ta. Liên hợp hóa lọc dầu này đã chế biến thành công dầu thô nhập khẩu từ Kuwait để cho ra đời các sản phẩm xăng dầu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán cho các đối tác thương mại để phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam.

Ông Turki Alajmi, Tổng Giám đốc NSRP nêu rõ: "Chúng tôi tự hào về thành quả quan trọng này đối với NSRP, các nhà đầu tư, các bên cho vay và đối với Chính phủ Việt Nam. Đây là minh chứng cho việc chúng ta có thể đạt được những thành quả to lớn nhờ nỗ lực làm việc chăm chỉ, hợp tác mạnh mẽ và tình hữu nghị vì lợi ích chung". Còn Phó Tổng Giám đốc NSRP Đinh Văn Ngọc cho biết, sau nhiều năm nỗ lực, vượt qua nhiều thử thách, dòng dầu mới mang thương hiệu Việt đã tuôn chảy, mang theo niềm vui và những kỳ vọng của tập thể đội ngũ kỹ sư, người lao động. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với dự án, mà còn đối với vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam, có tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm. Đây là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam với 4 nhà đầu tư gồm: Tập đoàn PVN; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI; Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui của Nhật Bản. Nhà thầu của dự án, một tổ hợp nhà thầu EPC quốc tế dẫn đầu bởi Tập đoàn JGC từ Nhật Bản, bắt đầu xây dựng dự án vào tháng 7-2013, hoàn thành vào tháng 4-2017 với hàng triệu giờ công lao động. Các công nghệ tiên tiến của thế giới trong ngành công nghiệp hóa dầu đã được áp dụng để vận hành tổ hợp lọc hóa dầu phức tạp này.

Đào tạo nhân lực, làm chủ công nghệ

Theo ông Đinh Văn Ngọc, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các nhà máy lọc hóa dầu là đào tạo nguồn nhân lực để có thể làm chủ công nghệ và vận hành an toàn nhà máy. Vì vậy, 2 năm qua NSRP đã chủ động ký hợp đồng trực tiếp đào tạo tại chỗ cho 627 nhân sự của mình với Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Các học viên của NSRP đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị các kiến thức, từ kỹ năng cơ bản nhất về các công việc hằng ngày trong ca làm việc cho đến các quy trình có độ phức tạp, chuyên môn cao hơn như quy trình dừng/khởi động và nhiều quy trình xử lý sự cố khẩn cấp của nhà máy lọc hóa dầu.

Từ năm 2014 đến nay, BSR đã cung cấp gần 70 kỹ sư, chuyên gia của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau (bao gồm vận hành, kỹ thuật, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị,...) tham gia làm việc trực tiếp dài hạn tại dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. BSR cũng đã cử hàng trăm lượt nhân sự, chuyên gia giỏi tham gia vào các đợt hỗ trợ kiểm toán BMC nhằm rà soát và tư vấn hoàn thiện hệ thống quy trình, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, kiểm soát chất lượng của NSRP. Đồng thời, các chuyên gia của BSR cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến công tác chuẩn bị chạy thử, chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy; công tác điều độ, tối ưu hóa quá trình sản xuất, nhập dầu thô và xuất bán sản phẩm; công tác quản lý chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, thực hiện quyết định của Tập đoàn PVN từ ngày 26-4 đến 25-6-2018, BSR tiếp tục cử 25 chuyên gia tham gia tư vấn, hỗ trợ công tác khởi động dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều đó cho thấy sự trưởng thành và chủ động nắm bắt công nghệ của đội ngũ kỹ sư, lao động người Việt Nam, thay vì phải phụ thuộc chủ yếu vào kỹ sư nước ngoài ở giai đoạn mới hoạt động Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đến nay Việt Nam đã có thể chủ động vận hành an toàn nhà máy lọc hóa dầu được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.