Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cú hích" cổ phần hóa

Đức Anh| 17/07/2018 07:36

(HNM) - Chủ trương thoái vốn tại những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, cổ phần hóa, tái cơ cấu toàn diện hoạt động doanh nghiệp được coi là


Là một trong những doanh nghiệp có uy tín ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ và UBND TP Hà Nội. Cuối tháng 6 vừa qua, Hapro đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, bầu ra Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. Đại hội cũng thông qua định hướng phát triển Hapro trở thành tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và bền vững, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.



Theo ông Vũ Thanh Sơn, thành viên Hội đồng quản trị Hapro, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh xuất nhập khẩu, mở rộng thêm các thị trường lớn, có tiềm năng. Phấn đấu đến năm 2020, Hapro sẽ có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chia sẻ về những nỗ lực của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, ông Vũ Thanh Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, Hapro đã đạt kim ngạch xuất khẩu 63,6 triệu USD, bằng 143% so với cùng kỳ 2017; tổng doanh thu 2.676 tỷ đồng, bằng 127%. Đây là tiền đề quan trọng để 6 tháng cuối năm Hapro hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2018, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 117 triệu USD, tăng 15% so với năm 2017, tổng doanh thu đạt 6.400 tỷ đồng.

Sự chuyển mình của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau khi cổ phần hóa cũng đã được giới chuyên gia tài chính đánh giá cao. Tại buổi tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBev - nhà đầu tư đã mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, đây là thương vụ lớn nhất và thành công nhất không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khu vực Châu Á vào thời điểm đó. Chủ tịch Tập đoàn ThaiBev Charoen Sirivadhanabhakdi chia sẻ kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của Sabeco, trong đó có việc đưa sản phẩm của Sabeco ra thị trường thế giới thông qua hệ thống của ThaiBev, đồng thời xây dựng Sabeco trở thành thương hiệu bia hàng đầu ở Việt Nam. Tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2018 do Sabeco vừa công bố cũng cho thấy, Sabeco kỳ vọng tốc độ tăng trưởng đạt mức 5%, đi cùng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 5% kể từ đầu năm nay.



Chia sẻ về mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn cả năm 2018, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn trong năm nay chiếm tương ứng hơn 50% và 44,6% của cả giai đoạn 2017-2020. Do vậy, 2018 được coi là năm bản lề trong quá trình “tái thiết” doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị nằm trong danh sách cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 bắt buộc phải thực hiện trong năm 2018, nên áp lực cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 là rất lớn.

Nhận xét về những lợi ích mang lại từ việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng với tốc độ nhanh trong năm 2018 thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua bán - sáp nhập (M&A)... Nỗ lực cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong một số lĩnh vực mà trước đây chỉ do Nhà nước nắm giữ.

Sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhà nước như Hapro, Sabeco cũng như nhiều doanh nghiệp khác là minh chứng rõ nét về tính đúng đắn của chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới toàn diện và đạt được những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cú hích" cổ phần hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.