Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cú hích" quan trọng của ngành Dầu khí

Thanh Hải| 06/09/2018 07:29

(HNM) - Tròn 30 năm trước (ngày 6-9-1988), những dòng “vàng đen” đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ đã được Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) khai thác thương mại, đặt nền móng cho công nghiệp dầu khí biển Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN Trần Sỹ Thanh tặng hoa các nhà khoa học từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khai thác dầu khí tầng đá móng.


Tại tọa đàm “Hành trình của Trí tuệ - Bản lĩnh - Truyền thống Văn hóa Petrovietnam", do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, hành trình tìm dầu trong tầng đá móng của mỏ Bạch Hổ là câu chuyện đầy khó khăn, thách thức cách đây 30 năm mà người làm dầu khí đã nỗ lực từng bước vượt qua, ghi tên Tổ quốc lên bản đồ dầu khí thế giới.

Tiến sĩ Ngô Thường San nhớ lại, thời kỳ đó, việc phát hiện tầng dầu trong đá móng nứt nẻ chưa có tiền lệ trong khoa học địa chất dầu khí thế giới. Thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước đứng trước nhiều khó khăn. Để duy trì phát triển kinh tế, hằng năm Việt Nam đã phải nhập trên 1 triệu tấn lương thực, 4,5 triệu tấn xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước.

Do sản xuất không đủ tiêu dùng, thiên tai liên tiếp xảy ra, nên phần lớn tiêu dùng xã hội phải dựa vào các nguồn vay và viện trợ của nước ngoài, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng.

Khi đó, một quyết định quan trọng của cấp có thẩm quyền, tạo bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển đột biến của ngành Dầu khí Việt Nam là việc ký kết văn kiện “Hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngày 3-7-1980 và thành lập Liên doanh dầu khí Việt - Xô ngày 19-6-1981, nay là Việt - Nga (Vietsovpetro).

Ngày 25-12-1983, tàu khoan Mirchink khoan giếng BH-5 gần vị trí giếng BH-1X của Mobil. Hy vọng của cả nước đặt vào kết quả giếng khoan này. Ngày 25-5-1984 thử vỉa, phát hiện dầu trong trầm tích Miocen (tầng 23). Cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu. Tin vui, nhưng cũng là nỗi lo cho những người làm địa chất dầu khí ở Vietsovpetro vì khi thử vỉa lưu lượng khoảng 20 tấn/ngày chỉ bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố.

Năm 1984-1985, các khối chân đế MSP 1,2 lần lượt được đưa ra biển và bắt đầu xây lắp dàn MSP-1 để khoan tại vị trí hiện nay được gọi là vòm trung tâm mỏ Bạch Hổ, nơi giếng BH-1X (Mobil) phát hiện dầu. Giữa năm 1985, giếng khoan BH-1 bắt đầu được khoan từ dàn MSP-1. Giếng mang nhiệm vụ vừa khai thác, vừa thăm dò.

Tuy nhiên, giếng BH-1, sau thời gian khai thác, khoảng 4 tháng, từ áp suất đầu giếng khoảng trên 23 at, tụt xuống còn 10 at, các giếng sau cũng không bổ sung lưu lượng tốt hơn, khẳng định tầng 23 triển vọng không tốt. Điều này khiến Xí nghiệp Liên doanh lâm vào tình trạng khó khăn, niềm hy vọng mong đợi vừa mới nhen lên đã vụt tắt.

Trong lúc chờ đợi và để xác định số phận dàn MSP-1, lãnh đạo Vietsovpetro quyết định khoan trở lại giếng BH-1, khoan qua đế ống chống 168mm để kiểm tra lại việc thử vỉa không thành công trước đây. Khoảng 10h sáng 6-9-1988, có tin thông báo, trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110 at, đóng đối áp để chờ ý kiến trong bờ.

Tin vui đến quá bất ngờ. Giếng cho dòng lớn, lúc đó không đo được nhưng ước tính là khoảng 2.000 tấn/ngày. Không những cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro vui mừng, mà cả nước đã vỡ òa nhiều cảm xúc.

Sau đó, dầu tiếp tục được phát hiện, khai thác sâu dần trong móng. Cột dầu tăng dần theo chiều sâu ở những mỏ phát hiện về sau. Tiến sĩ Ngô Thường San nhấn mạnh: “Việc phát hiện dầu trong móng không phải là ngẫu nhiên. Đây là công lao của một tập thể, mà sự đóng góp của họ, những người đã chấp nhận rủi ro, thiệt thòi để đưa phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ vào hiện thực cần được ghi nhận và trân trọng”.

Câu chuyện thấm đẫm những khó khăn, thách thức cách đây 30 năm mà người làm dầu khí đã nỗ lực vượt qua, tạo nên "cú hích" để ghi tên Tổ quốc lên bản đồ dầu khí thế giới. Đây cũng là kết quả thể hiện sự kiên trì, sáng tạo, bản lĩnh vượt khó của các thế hệ người làm dầu khí đã đưa Tổng cục Dầu khí - tiền thân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - đi đến đích, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam từng bước phát triển, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và kiến tạo đất nước.

Đến nay, Vietsovpetro đã khai thác từ tầng đá móng trên 220 triệu tấn dầu, trên 15 triệu tấn LPG và condensat, với tổng doanh thu gần 75 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, thu gom và đưa vào bờ cung cấp cho các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch trên 30 tỷ mét khối khí đồng hành, khắc phục kịp thời sự thiếu hụt năng lượng, chất đốt và phân bón vào thời điểm đất nước khó khăn nhất. Công trình này cũng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cú hích" quan trọng của ngành Dầu khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.