Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn

Hà Linh| 22/09/2018 07:45

(HNM) - Với tỷ lệ 98% trong số doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp tư nhân đang là lực lượng chính của nền kinh tế. Vậy nhưng, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này không đơn giản, bởi thủ tục cho vay còn khá khó khăn...

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của các ngân hàng, những gói sản phẩm cho vay cũng "bùng nổ". Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn phải loay hoay tìm cách tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do điều kiện cho vay chưa thuận lợi.

Ảnh minh họa.


Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam: Hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, nhưng có đến hơn 90% số doanh nghiệp này không tiếp cận được vốn, dù đã có nhiều chính sách tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, khi có nhu cầu đầu tư, các doanh nghiệp này phải tìm đến những nguồn cho vay khác như công ty tài chính, hay các tổ chức tín dụng khác với lãi suất cao hơn. Trên thực tế, ngân hàng không thiếu vốn, nhưng lại thiếu niềm tin với doanh nghiệp tư nhân.

Bà Nguyễn Bích Liên, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội cho biết, doanh nghiệp nhỏ đang gặp vướng mắc khi “gõ cửa” các ngân hàng. Kể từ khi được thành lập năm 2009 đến nay, mỗi khi cần bổ sung thêm nguồn vốn, bà Liên phải huy động từ người thân trong gia đình, hoặc bạn bè và hầu như chưa vay vốn được từ phía ngân hàng. Các ngân hàng liên tục quảng cáo đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất hấp dẫn, nhưng điều kiện cho vay với doanh nghiệp nhỏ không dễ, đặc biệt là những yêu cầu về báo cáo tài chính, tài sản bảo đảm...

Nhiều doanh nghiệp nhỏ khác cũng đang phải đau đầu với bài toán vay vốn ngân hàng, bởi kinh doanh nhỏ lẻ, thường chỉ có vài lao động, nên không có báo cáo tài chính, tài sản bảo đảm cũng chỉ dừng lại ở cửa hàng nhỏ, với những sản phẩm giá trị không cao, không có xưởng sản xuất hay nhà máy. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để gỡ khó cho các doanh nghiệp nhỏ?

Theo ông Tô Hoài Nam, bên cạnh những nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhỏ trong việc đáp ứng các điều kiện tín dụng, phía ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách thuận lợi hơn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đến gần hơn với nguồn vốn ngân hàng. Chẳng hạn như ngân hàng đơn giản hơn thủ tục về tài sản bảo đảm với doanh nghiệp tư nhân, tiến tới cho vay tín chấp. Mặc dù khung pháp lý cho vay tín chấp và tài sản hình thành từ vốn vay là có đủ, nhưng các ngân hàng quá thận trọng, không dám mạo hiểm cho vay tín chấp.

Một phương án khác được đưa ra chính là các doanh nghiệp nhỏ nên hợp tác bằng việc mua bán, sáp nhập lại để có thể đáp ứng điều kiện cho vay từ phía ngân hàng, cũng như tăng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, phương án này không dễ, vì các doanh nghiệp nhỏ phát triển chủ yếu từ các hộ kinh doanh, có thời gian kinh doanh khá dài. Chẳng hạn như những doanh nghiệp kinh doanh hàng lưu niệm, hay đồ thủ công mỹ nghệ ở trên khu vực phố cổ đã có truyền thống kinh doanh khá lâu đời, trước đây đều là các hộ kinh doanh, nên việc sáp nhập lại với nhau gần như là không thể.

Về phía ngân hàng, ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã huy động được 1,7 triệu tỷ đồng, nên các ngân hàng đang dư thừa nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để tích cực hỗ trợ tín dụng lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.