Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 13/08/2018 14:49

(HNMO) – Sáng 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã khai mạc tại Hà Nội, với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

(HNMO) – Sáng 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã khai mạc tại Hà Nội, với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.


Tới dự hội nghị có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Các đồng chi Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang;Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính;  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai;  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; thủ trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…

TP Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành Ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, những thành tựu quan trọng đạt được trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực của công tác đối ngoại trong hai năm qua đã góp phần tạo nên không khí phấn khởi, tự hào, tin tưởng và đồng thuận của nhân dân, các cấp, các ngành vào thế đi lên của đất nước và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 có nhiệm vụ đề ra các biện pháp cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII trong tình hình mới; đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đối ngoại nổi lên hiện nay và trong những năm tới; chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; chủ động và tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, hội nghị lần này cũng sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng ngành trong bối cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và bảy (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Tiếp theo, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trình bày báo cáo, điểm lại tình hình thế giới và khu vực kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Sau đó, các đại biểu lần lượt lắng nghe tham luận của: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 là dịp nhìn lại quá trình gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới, chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, chuẩn bị cho Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư khẳng định, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của Việt Nam trong gần 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. Một số khía cạnh nổi bật gồm đóng góp quan trọng vào việc duy trì củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xử lý các vấn đề biên giới - lãnh thổ; phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đối ngoại; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả; thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa...

Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của lực lượng cán bộ đối ngoại nói chung, Bộ Ngoại giao nói riêng, Tổng Bí thư cho rằng, môi trường đối ngoại sẽ ngày càng phức tạp, tạo ra nhiều thách thức mới, đặt ra yêu cầu cao hơn trước. Vì vậy, ngành Đối ngoại nói chung và Ngoại giao nói riêng cần phải thực hiện tốt hơn nữa, đi sâu vào nghiên cứu để tránh bỏ lỡ những cơ hội, rà soát và phát huy những hiệp ước đã ký kết với các nước; xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh cần giải quyết; đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược để có thể dự báo được tình hình địa chiến lược toàn cầu. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng cho rằng, công tác đào tạo và sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả có vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo Tổng Bí thư, Việt Nam vẫn có nhiều thời cơ thuận lợi và các xu hướng lớn vẫn cơ bản có lợi cho chúng ta. Sau hơn 30 năm đổi mới, chưa bao giờ Việt Nam có thế và lực như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực. Với sự phát triển kinh tế nổi bật, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu trên trường quốc tế, Việt Nam đang ngày càng nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của các quốc gia và tổ chức trên thế giới. Tổng Bí thư đề nghị Bộ Ngoại giao bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và của Trung ương để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, coi đây là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Tán thành với các định hướng nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong báo cáo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở thêm 8 vấn đề lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới, gồm:

Một là đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn để theo kịp sự phát triển của tình hình, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước.

Hai là tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.

Ba làphát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động tích cực tham gia đóng góp xây dựng,định hình các cơ chế đa phương.

Bốn là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ với các đối tác mà Việt Nam có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả.

Năm là tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Sáu là cần đề cao, coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược.

Bảy là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh trong triển khai công tác đối ngoại và hòa nhập của Đảng và Nhà nước.

Tám là đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Kết thúc phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 vào sáng 13-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ sự trân trọng đối với sự quan tâm sâu sắc của cá nhân Tổng Bí thư, cũng như Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đối với công tác đối ngoại. Phó Thủ tướng khẳng định, hội nghị sẽ quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và yêu cầu các đại biểu trong 5 ngày làm việc bám sát 8 định hướng đã nêu, nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ và mục tiêu về đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.