Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại và phát triển đất nước

Hoàng Linh| 15/08/2018 08:47

(HNM) - Chiều 14-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt và nói chuyện với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt thân mật các Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN


Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, những kết quả, thành tích to lớn của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế mà Bộ Ngoại giao giữ vai trò nòng cốt, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của các Trưởng cơ quan đại diện, đã góp phần xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Về nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Chủ tịch nước đề nghị ngành Ngoại giao nói chung, trong đó có các Trưởng cơ quan đại diện tập trung triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại mà Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đề ra, chú trọng làm tốt 8 nhiệm vụ, gồm:

Một là, phải tiếp tục đổi mới tư duy không chỉ về đối ngoại mà cả về phát triển đất nước trong bối cảnh mới của tình hình thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các Trưởng cơ quan đại diện cần tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Hai là, cần chủ động, tích cực, sáng tạo và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Các Trưởng cơ quan đại diện cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các nguy cơ tiềm ẩn để kịp thời tham mưu với Đảng và Nhà nước có chủ trương, giải pháp xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hơn bao giờ hết, bài học “giữ nước từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy” cần được mỗi cán bộ ngoại giao quán triệt và thực hiện tốt trong mọi công việc.

Ba là, phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa đối ngoại và đối nội, giữa ngoại giao đa phương và song phương, giữa ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước. Các Trưởng cơ quan đại diện cần chú trọng nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quan tâm nhu cầu của các địa phương, tìm tòi giải pháp nhằm đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, tranh thủ các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững đất nước. Mặt khác, cần tập trung nghiên cứu những mô hình, kinh nghiệm thành công, chưa thành công của các nước, nhất là các nước có điều kiện gần với Việt Nam, để tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm hoạch định đường lối, chính sách phát triển phù hợp với thực tiễn đất nước.

Bốn là, phải không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo chiến lược. Các cơ quan đại diện phải nắm bắt, xử lý thông tin, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, từ đó, có những sản phẩm nghiên cứu, dự báo chiến lược chất lượng cao, phục vụ tốt yêu cầu tham mưu với Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực; phải chủ động nghiên cứu đưa ra các sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và thể hiện vị thế của đất nước.

Năm là, phải coi công tác kiều bào và bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan đại diện. Mỗi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải là chỗ dựa tin cậy cho kiều bào, công dân Việt Nam và của mọi người con đất Việt ở xa Tổ quốc.

Sáu là, chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngoại giao kế cận, nhất là cán bộ cấp chiến lược như Nghị quyết Trung ương 7 vừa qua đã nêu rõ.

Bảy là, chú trọng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; giữ vững bản lĩnh chính trị, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tám là, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước có các giải pháp cụ thể lập mới hoặc khôi phục cơ quan đại diện Việt Nam; xây dựng trụ sở cơ quan đại diện tại nước ngoài khang trang hơn vì đây là vấn đề liên quan đến vị thế, uy tín của đất nước ở bên ngoài.

* Cũng trong ngày 14-8, Hội nghị Ngoại giao 30 đã bước sang phiên đối ngoại I và II. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại và phát triển đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.