Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Indonesia

Hoàng Linh - TTXVN| 13/10/2018 06:25

Sáng 12-10, tại Bali (Indonesia), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc hội đàm.

Các nhà lãnh đạo ASEAN, LHQ, IMF và WB tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Hai nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, đưa hợp tác lên tầm cao mới và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tạo đột phá, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của Đối tác chiến lược; phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD với việc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa thuộc thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường, hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác chặt chẽ trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và kiểm dịch.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, tạo các cơ chế đối thoại doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - chính phủ để kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Hai bên nhất trí rà soát Hiệp định năm 1990 về Hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật, xem xét để Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật (JTEC) trở thành cơ chế đi đầu trong thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên. Hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, sở hữu trí tuệ, công nghệ mới, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh, logistics, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp… nhằm tranh thủ cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa hợp tác biển, nhất trí giao cơ quan chức năng của hai nước nghiên cứu sớm thành lập cơ chế hợp tác biển để thảo luận về các nội dung hợp tác liên quan, đặc biệt là hợp tác nghề cá, chế biến thủy sản, và xây dựng một khuôn khổ thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động đánh bắt hải sản an toàn, bền vững và hợp pháp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Hai bên chia sẻ tầm nhìn và cam kết tăng cường hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN, APEC, Liên hợp quốc; cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và phát triển bao trùm, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, chủ động tham gia vào quá trình định hình các sáng kiến hợp tác khu vực. Tổng thống Joko Widodo cam kết hợp tác chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đồng chủ trì họp báo quốc tế, thông tin về kết quả hội đàm.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, trong đó thúc đẩy sớm ký Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Thủ tướng Hunsen khẳng định, Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Campuchia.

* Bên lề cuộc gặp các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân dịp Hội nghị thường niên IMF - WB và thăm, làm việc tại Indonesia, sáng 12-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các buổi tiếp: Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Ciputra - Indonesia, Budiarsa Sastrawinata; Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia, Rosan Perkasa Roeslani; Chủ tịch Công ty PT Nikko Sekuritas Indonesia, Harianto Solichin. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã cùng chứng kiến trao đổi văn bản ký kết hợp tác xây dựng hạ tầng giữa Công ty Nikko và Công ty LICOGI 16 của Việt Nam.

* Sáng 12-10, tại Bali, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF - WB), với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà.

Với chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm trong tương lai”, Hội nghị thường niên IMF - WB thảo luận nhiều vấn đề nổi lên trong kinh tế toàn cầu như tác động của chiến tranh thương mại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực, phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, việc làm, công bằng và tiến bộ xã hội…

Tại hội nghị, IMF đã công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2018, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018-2019 là 3,7% do tăng trưởng chậm lại ở một số nền kinh tế chủ chốt dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang, giá dầu tăng…

* Chiều 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, củng cố tài khóa, kiểm soát nợ công, điều hành tài chính - tiền tệ thận trọng, linh hoạt, nâng cao hiệu quả đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0… Thủ tướng đề nghị IMF tiếp tục tăng cường hỗ trợ đào tạo, tư vấn chính sách cho Việt Nam về thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện lĩnh vực tài chính - ngân hàng…

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước ta đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chương trình tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên IMF - WB tại Bali (Indonesia), làm việc tại Indonesia từ ngày 11 đến 12-10. Chuyến công tác đã tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN; thể hiện sự coi trọng hợp tác thực chất của Việt Nam với các thể chế đa phương toàn cầu lớn nhất thế giới và nâng cao hiệu quả hợp tác Đối tác chiến lược với nước chủ nhà Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Indonesia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.