Theo dõi Báo Hànộimới trên

EVFTA là bước đột phá cho kết nối thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

TTXVN - Bộ Ngoại giao| 19/10/2018 06:41

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là hai nhà lãnh đạo ASEM được mời phát biểu chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 16.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg (thứ hai từ phải sang) - hai lãnh đạo cấp cao của ASEM được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á - Âu trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nhưng dòng chuyển động toàn cầu đặt ra nhiều thách thức bởi phục hồi kinh tế toàn cầu chưa bền vững, còn những rủi ro khó lường. Trong bức tranh chung đó, châu Á và châu Âu nổi lên là hai điểm sáng của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho liên kết và phát triển… Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tăng cường kết nối Chính phủ và doanh nghiệp; chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nền kinh tế Á - Âu.

Thông tin với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu hai châu lục về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở Đông Nam Á có độ mở nền kinh tế lớn. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tiệm cận với các tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Việc sớm chính thức ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ là bước đột phá, tạo xung lực mới cho kết nối thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng như châu Âu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói với các cơ quan của EU để EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực thi.

* Trong chương trình hoạt động từ ngày 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ trưởng và Đoàn công tác của Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các đối tác song phương và lãnh đạo của EU. Một trong những nội dung nổi bật là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

Kết quả rất tích cực là 12h trưa 17-10 (giờ địa phương), Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn (đầu năm 2019). Ngay chiều 17-10, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa EVFTA vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

* Ngay sau khi Ủy ban châu Âu thông qua EVFTA, chiều 17-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của cá nhân ngài Chủ tịch trong việc tăng cường quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng. Ông Bernd Lange bày tỏ vui mừng trước việc EVFTA đã được thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, coi đây là bước quan trọng để EP bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU với Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

* Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, sáng 18-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi hội kiến với Nhà vua Bỉ Philippe. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng những tình cảm của Nhà vua và Hoàng gia dành cho Việt Nam, cũng như sự ủng hộ của Nhà vua đối với quan hệ Việt Nam - Bỉ; mong muốn Nhà vua và Hoàng hậu thu xếp thời gian thích hợp thăm Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng quan hệ với Bỉ, quốc gia thành viên sáng lập và có vai trò quan trọng của EU, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bỉ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Nhà vua Philippe khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, quan tâm đến nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và sẵn sàng hỗ trợ công nghệ và kinh nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhà vua Philippe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng, thời gian tới hai bên cần tiếp tục và đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực mà Bỉ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục đào tạo.

* Sáng 18-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, Chủ tịch Nhóm các Nghị sĩ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Thượng viện Bỉ Steven Vanackere - người có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

* Chiều 18-10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đẩy nhanh việc triển khai hợp tác trên các lĩnh vực giao thông - vận tải, nông nghiệp, môi trường, khoa học - công nghệ, tài chính, tiền tệ... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai bên cần kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nghiêm túc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; xử lý tốt vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân trên biển; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau...

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Na Uy là đối tác quan trọng của Việt Nam, mong muốn doanh nghiệp Na Uy đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường…

* Trước đó, tối 17-10 (giờ địa phương) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
EVFTA là bước đột phá cho kết nối thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.