Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở kinh doanh sắt thép gây ô nhiễm

Bài, ảnh: Đỗ Hà| 16/05/2015 07:23

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới số ra ngày 28-3-2015 đăng bài

Nhiều thùng phuy được tập kết ở bãi đất trống, giáp đường vào tổ dân phố Giang Lẻ.



Lần theo phản ánh của người dân, chiều 11-5 phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại tổ dân phố (TDP) Giang Lẻ. Vừa hỏi một số người dân về cơ sở kinh doanh sắt thép của hộ bà Dương Thị Nhàn, phóng viên đã ghi nhận được nhiều bức xúc. Một phụ nữ trong tổ dân phố (xin giấu tên) cho biết, cơ sở tái chế thùng phuy của hộ bà Nhàn tồn tại trong khu dân cư hơn chục năm nay, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn lớn do quá trình cắt phá, đầm bẹp thùng phuy của cơ sở này phát ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Hằng ngày, cơ sở này tổ chức cắt phá thùng phuy liên tục, sáng từ 6h30 đến 10h30, chiều từ 13h đến 17h. Lượng xe ô tô ra vào xuất nhập hàng lên tới 40-50 chiếc/ngày. Ngoài ra, mùi hắc rất khó chịu bốc lên từ khu tái chế (người dân nghi là hóa chất đựng trong các thùng phuy - PV) khiến môi trường trong khu dân cư thường xuyên bị ô nhiễm. Cũng theo người phụ nữ này, TDP Giang Lẻ có chưa đầy 100 hộ thì có gần nửa số hộ liên tục có ý kiến, thậm chí gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và có biện pháp di chuyển cơ sở tái chế thùng phuy gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư…, thế nhưng không hiểu tại sao nhiều năm nay cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại?

Thực tế tại TDP Giang Lẻ, phóng viên nhận thấy tuyến đường chính dẫn vào TDP có 5-6 xe tải loại 1,25 tấn đang đậu trước cửa khu vực tái chế thùng phuy của hộ bà Nhàn để xuất, nhập hàng. Khu vực sản xuất của cơ sở chỉ rộng khoảng 150m2, bên trong xưởng và bãi đất trống giáp đường đi được tập kết nhiều thùng phuy đã và chưa tái chế. Tiếng ồn phát ra rất lớn từ hoạt động cắt phá thùng phuy trong xưởng làm cho cả TDP luôn trong tình trạng ồn ã, nhiều hộ cách xa xưởng khoảng 100m vẫn nghe thấy tiếng cắt phá, đầm bẹp thùng phuy phát ra. Xung quanh khu vực sản xuất, mùi hóa chất hắc bốc lên nồng nặc khiến các hộ dân sống gần đây rất khổ sở, nhất là các hộ có người già, trẻ nhỏ. Theo tính toán của Đoàn kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường quận Hà Đông, bình quân mỗi tháng cơ sở này tái chế 20-30 tấn hàng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường Biên Giang Phạm Ngọc Anh thừa nhận, phản ánh của người dân về xưởng tái chế thùng phuy của hộ bà Nhàn tại TDP Giang Lẻ gây ô nhiễm môi trường là có thật. Tại các buổi kiểm tra trong hai năm (2013- 2014), UBND phường Biên Giang và Đoàn kiểm tra của quận đều ghi nhận, trong quá trình cắt phá thùng phuy có phát sinh tiếng ồn lớn và phát sinh mùi khó chịu bốc ra từ hoạt động cắt phá. Song do cơ sở này có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản, báo cáo giám sát môi trường định kỳ…, đặc biệt chưa có kết quả quan trắc môi trường nào của các cơ quan chức năng khẳng định mức độ ô nhiễm do cơ sở này gây ra, có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân không, nên UBND phường không thể xử lý được, chỉ vận động chủ hộ thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, không phát tán mùi hóa chất gây khó chịu vào môi trường, có kế hoạch di chuyển cơ sở sản xuất đi nơi khác. Nhưng đến nay, mọi yêu cầu của UBND phường vẫn chưa được chủ cơ sở này thực hiện...

Việc cơ sở kinh doanh sắt thép do hộ bà Dương Thị Nhàn làm chủ gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có thật. Do vậy, nhằm bảo đảm cho người dân có môi trường sống trong lành, tránh đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đề nghị UBND quận Hà Đông chỉ đạo các cơ quan chức năng, phường Biên Giang sớm kiểm tra, xác định rõ mức độ ô nhiễm, xử lý nghiêm nếu cơ sở gây ô nhiễm môi trường, sớm di chuyển cơ sở này ra khỏi khu dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở kinh doanh sắt thép gây ô nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.