Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gian xanh - món quà vô giá

Hương Ly| 01/01/2017 08:16

(HNM) - Gần 80 hồ nước được làm sạch bằng chế phẩm an toàn, hàng loạt cây xanh được trồng mới trên các tuyến phố trong năm 2016 đã khiến không gian xanh của Thủ đô Hà Nội được gìn giữ và ngày càng mở rộng.


Hồ nước, cây xanh là những “lá phổi xanh” giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


Trồng mới cây xanh, hồi sinh hồ nước

Trồng mới hàng nghìn cây xanh, làm sạch các hồ nước ô nhiễm, duy trì hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ... là những nỗ lực mà TP Hà Nội đã thực hiện trong năm 2016. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau 3 năm thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", các đơn vị chức năng của thành phố đã trồng mới, duy trì, duy tu bảo đảm các tuyến phố luôn có hoa, cây xanh, màu sắc rực rỡ. Tám máy cắt cỏ tự hành nâng cao năng suất lao động, giảm kinh phí duy trì cũng đã được thành phố trang bị nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động này. Sang năm 2017, thành phố tiếp tục đầu tư, trang bị cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội nhiều máy móc thiết bị để tăng cường cơ giới hóa trong cắt tỉa cây bóng mát, bảo đảm an toàn, cảnh quan đô thị và tăng tính thẩm mỹ.

Năm đầu thực hiện mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh đến năm 2020, đã có 1.821 cây trên 29 tuyến phố được trồng mới. Nhiều tuyến đường, chỉ sau một đêm đã xuất hiện hàng cây mới trồng khiến người dân ngỡ ngàng. Bên dưới các tuyến tàu điện đô thị, những hàng cây trồng mới cũng làm những mảng bê tông bớt xám xịt, đơn điệu. Hiện, thành phố đang trồng bổ sung cây keo tai tượng trên nút giao Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21A để tạo mảng xanh và cảnh quan đẹp trên tuyến đường.

Đặc biệt, trong năm 2016, gần 80 hồ nước ô nhiễm trong nội thành Hà Nội đã được xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C của CHLB Đức, thiết kế theo đơn đặt hàng của UBND TP Hà Nội. Sau xử lý, các hồ nước đã hồi sinh, giảm ô nhiễm, tạo môi trường sống trong lành cho người dân khu vực đồng thời góp phần gìn giữ màu xanh mặt nước, làm sạch, đẹp môi trường sống ở Thủ đô. Việc nạo vét, làm sạch hệ thống tiêu thoát nước tại các tuyến đông người, điểm vui chơi giải trí... cũng được thực hiện, qua đó bảo đảm vệ sinh, giữ gìn mỹ quan đô thị, đồng thời khắc phục kịp thời những hư hỏng trên hệ thống thoát nước.

Tận hưởng không gian trong lành ở hồ Nghĩa Tân để thư giãn, tập thể dục vào buổi chiều hằng ngày, bà Vũ Thị Mai, nhà C8, tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) rất phấn khởi vì môi trường sống đã được cải thiện. "Trước khi thành phố xử lý, nước hồ Nghĩa Tân bốc mùi hôi rất khó chịu, cá chết nổi khá nhiều mỗi khi trở trời. Sau khi thành phố rải chế phẩm xử lý ô nhiễm, nước hồ đã trong xanh, hết mùi hôi, người dân mừng lắm" - bác Mai chia sẻ.

Dành không gian cho hoạt động cộng đồng

Ghi nhận những nỗ lực của TP Hà Nội, song các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc cũng nêu những ý kiến nhằm duy trì và mở rộng không gian xanh của Hà Nội. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, một trong những thuận lợi của Hà Nội là có quỹ đất khá lớn để khai thác không gian công cộng, vườn hoa, sân chơi. Hà Nội hiện có hơn 400ha đất dành cho các chung cư trong nội đô và chính quyền đang quyết tâm cải tạo lại với định hướng: Dành 10% trong số đó để xây dựng vườn hoa, sân chơi, trồng cây xanh. Đây là một quyết định đúng đắn, bởi trên thực tế, diện tích vườn hoa, cây xanh tính trên đầu người của Thủ đô còn thấp. Thế nhưng, việc khai thác những thế mạnh sẵn có ra sao để không gian xanh của Hà Nội được mở rộng một cách khoa học, phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của các đơn vị chức năng có liên quan.

KTS Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, sau khi xây dựng tuyến đường sắt trên cao, TP Hà Nội đã trồng cây nhằm tạo không gian xanh. Theo ông Tùng, ngoài việc trồng mới cây xanh, những không gian này có thể cải tạo thành các vườn hoa, thảm cỏ,... để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Mô hình này đã được các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan áp dụng và thực hiện thành công.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường. Dự kiến 5 năm tới, ngoài trồng thêm 1 triệu cây xanh, thành phố sẽ xây dựng 25 công viên, trong đó có 5 công viên đạt tầm cỡ thế giới. Hà Nội cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 70% nước thải trong khu vực nội thành được xử lý triệt để... Nỗ lực gìn giữ, duy trì và mở rộng những không gian xanh mà TP Hà Nội đang theo đuổi sẽ giúp Thủ đô ngày càng xanh, sạch, văn minh. Đây chính là món quà tặng vô giá để dành tặng cho các thế hệ tương lai.

Theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã công bố, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, vườn hoa đô thị, trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới. Đồng thời, sẽ cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không gian xanh - món quà vô giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.