Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng ăn “cho sướng miệng”

Thu Trang| 29/05/2017 07:06

(HNM) - Hiện nay phần lớn người Việt ăn theo sở thích, ăn “cho sướng miệng” mà chưa tính toán xem lượng thực phẩm đó có giúp cơ thể đủ dinh dưỡng hay không...

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu vi chất dinh dưỡng như “nạn đói tiềm ẩn”, đe dọa sự phát triển thể chất, trí tuệ và dẫn đến nguy cơ sinh bệnh. Vì vậy người dân cần tránh xa những bữa ăn "cho sướng miệng" thừa đạm nhưng... thiếu chất để bảo vệ sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng cho việc phát triển sức khỏe và trí tuệ của mỗi người.


Báo động thói quen ăn uống thiếu khoa học

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ ra sự bất cập trong thói quen ăn uống của người Việt Nam. Theo thống kê, một nửa trong số người được khảo sát không ăn đủ lượng rau xanh và trái cây theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo khuyến cáo này, mỗi người phải ăn đủ 400gr rau xanh và trái cây/ngày nhưng người Việt Nam chỉ đạt mức bình quân 200gr.

Một cách ăn tai hại nữa là dùng quá nhiều muối, theo khuyến nghị chỉ nên ăn 5gr muối/người/ngày thì người Việt ăn gần gấp đôi mức đó (mỗi người ăn bình quân 9,4gr muối/ngày)… Trong khi đó, 73% số ca tử vong ở nước ta liên quan tới các bệnh không lây nhiễm, liên quan tới thói quen ăn uống thiếu khoa học như: Tim mạch, cao huyết áp, ung thư, xơ gan, đái tháo đường…

Các bệnh viện ở Việt Nam thường xuyên phải tiếp nhận người bị bệnh do ăn uống thiếu khoa học. Như ở Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), gần như ngày nào cũng có bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ nhập viện. Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa chia sẻ, nếu như phát hiện bệnh sớm và được can thiệp kịp thời thì gan nhiễm mỡ là một bệnh lành tính. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý có diễn biến âm thầm, cơ thể dần thích nghi với triệu chứng nên người bệnh khó phát hiện tình trạng báo động về sức khỏe. Diễn tiến nặng của bệnh có thể gây xơ gan, ung thư gan.

Trước đây, số người mắc gan nhiễm mỡ, mỡ máu cao hay tiểu đường không nhiều như hiện nay bởi bữa ăn trong giai đoạn khó khăn đó chỉ có cơm và rau là chính nên năng lượng sẽ được đốt hết, không dư thừa. Hiện nay thì khác, bữa ăn giàu đạm hơn, nhiều người có thói quen ăn uống bất hợp lý, trong đó có việc nhịn ăn sáng và nạp nhiều năng lượng trong bữa tối.

Tiến sĩ Vũ Trường Khanh lưu ý, thói quen ăn nội tạng, lòng đỏ trứng tạo nên nhiều cholesterol trong cơ thể, từ đó gây bệnh gan nhiễm mỡ. “Người Việt Nam hiện nay ăn ít rau nên cơ thể thiếu vitamin và chất xơ - có vai trò như chiếc chổi quét hết những phần mỡ thừa ra ngoài”, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh nói.

Theo kết quả điều tra về tình hình tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm nhưng không bảo đảm 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Hiện khẩu phần ăn của người dân ở nông thôn mới đáp ứng được 23% nhu cầu về vitamin A, 79% nhu cầu về sắt và 56% nhu cầu về kẽm. Còn ở thành phố, các con số tương ứng lần lượt là 35%, 76% và 57%. Ngay cả với trẻ em từ 2 đến 5 tuổi - đối tượng được ưu tiên trong bữa ăn gia đình, mức độ đáp ứng nhu cầu về vi chất cũng không đạt 100%.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, việc thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến nhiều nguy cơ gây bệnh. Chẳng hạn, việc thiếu i-ốt có thể gây bướu cổ, đần độn; thiếu sắt gây thiếu máu và các hậu quả kèm theo (suy dinh dưỡng, trí tuệ chậm phát triển)…

Bổ sung vi chất cho mỗi bữa ăn

Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là cuộc chiến bền bỉ, là một trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020. Năm nay, theo bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng), Ngày Vi chất dinh dưỡng (diễn ra ngày 1 và 2-6) sẽ tập trung vào nội dung tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm thiết yếu.

Cụ thể, vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường qua thực phẩm bao gồm i-ốt, kẽm và vitamin A. Muối dùng trong chế biến thực phẩm hoặc ăn trực tiếp, đều phải được tăng cường i-ốt; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm...

Bác sĩ Trần Khánh Vân khuyến cáo: Các gia đình nên duy trì chế độ ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Các bà mẹ cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Bữa ăn của trẻ nên có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng khả năng hấp thu vitamin A, vitamin D.

Mặt khác, cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Đặc biệt, trong ngày 1 và 2-6, các gia đình hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường, thị trấn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Chất sinh năng lượng là bột (chiếm 65% - 70%), đạm (12% - 14%) và chất béo (18% - 20%). Rau và hoa quả cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ. Mỗi ngày nên ăn 15 - 20 loại thực phẩm khác nhau để cơ thể có đủ chất dinh dưỡng, nếu có điều kiện thì nên ăn hơn mức đó.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng ăn “cho sướng miệng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.