Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt chó thả rông, quyết ngăn bệnh dại

Nguyễn Lê| 20/10/2017 06:15

(HNM) - Trước thực trạng bệnh dại đang quay trở lại và có chiều hướng diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn căn bệnh này...


Việc bắt chó thả rông ở TP Hồ Chí Minh không phải là vấn đề mới, mà đã thực hiện từ sau năm 1975 đến nay, với mức độ ra quân tùy từng thời điểm. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm được khống chế, năm nay bệnh dại xuất hiện trở lại và có chiều hướng phức tạp. Đáng báo động là mới đây, TP Hồ Chí Minh ghi nhận một ca tử vong do mắc bệnh dại. Nạn nhân bị chó nhà hàng xóm cắn nhưng đã chủ quan không đi tiêm phòng. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay. Còn theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, số lượng người dân đến tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại khá đông. Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ tháng 4-2017 đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 170-270 trường hợp bị chó, mèo cắn được tiêm huyết thanh kháng virus dại SAR và khoảng 200-800 người được tiêm vắc xin phòng bệnh dại Verorab. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 7-2017, bệnh viện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân mắc bệnh dại và tất cả đều tử vong, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016.

Theo bác sĩ Phan Công Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh), thực trạng nuôi chó, mèo ngay tại gia đình khá phổ biến trong cộng đồng. Đây lại chính là nguồn khởi phát và lây truyền bệnh dại nếu như chó, mèo không được tiêm phòng đầy đủ. Đáng lo ngại hơn là dù pháp luật nghiêm cấm việc thả rông chó, mèo nhưng đa số người dân vẫn phớt lờ, để chó, mèo chạy rông khá phổ biến, gây mối nguy bệnh dại cho cộng đồng. Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh), nếu đã bị chó, mèo cắn, dù là vật nuôi nhà hay vật nuôi hàng xóm cũng phải nhanh chóng đến cơ sở y tế có tiêm phòng dại để được tư vấn tiêm vắc xin. Trong trường hợp chó, mèo hoang cắn, phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.

Trước tình hình này, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 6-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp thiết thực để thực hiện chỉ thị này. Cụ thể, thành phố đang tăng cường ra quân bắt giữ chó thả rông, không có người dẫn dắt và không đeo rọ mõm. Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, đội săn bắt chó thả rông được trang bị xe tải chuyên dụng có lồng sắt, vợt sắt. Khi các quận, huyện có văn bản đề nghị hỗ trợ bắt chó thả rông thì đội sẽ phối hợp, mỗi đợt triển khai bắt chó sẽ có 2 người, thời gian từ 6h30 đến 10h sáng. Toàn bộ chó bị bắt được sẽ đưa về số 252 đường Lý Chính Thắng (phường 9, quận 3) lưu giữ. Người nuôi khi đến nhận chó phải có giấy chứng minh đã tiêm phòng dại, hoặc cam kết đi tiêm phòng, phải đóng phạt là 600.000 đồng - 800.000 đồng trong trường hợp chó ra đường không rọ mõm, xích cổ, không có người chăn dắt hoặc không tiêm ngừa bệnh dại cho động vật. Trong vòng 72 giờ nếu chủ nhân không đến nhận lại sẽ tiến hành tiêu hủy những con chó già yếu, có dấu hiệu bị bệnh, số còn lại sẽ được chuyển đến các trường, viện có các khoa liên quan đến động vật để phục vụ công tác nghiên cứu. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có 58 con chó thả rông trên địa bàn thành phố bị lực lượng thú y bắt. Trong đó, 40 con được người nuôi đến đóng phạt, nhận về. 15 con chuyển cho các trường đại học, bệnh viện. Chỉ có 3 con bị tiêu hủy do bị bệnh dại, già yếu.

Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn bệnh dại do chó, mèo cắn, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu tất cả các hộ có nuôi chó, mèo phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký vật nuôi; đồng thời chấp hành việc xích, nhốt, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo theo đúng quy định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt chó thả rông, quyết ngăn bệnh dại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.