Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động được hưởng chế độ dưỡng sức sau chữa bệnh

Khải Phương| 24/11/2017 07:13

(HNM) - Khi bị ốm đau, ngoài chế độ bảo hiểm y tế, người lao động đang làm việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn được hưởng chế độ theo Luật BHXH và được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tối đa 6 tháng chữa bệnh.

Những đối tượng sau được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) 100% chi phí khám chữa bệnh: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Quỹ chi trả 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Quỹ chi trả 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Bên cạnh đó, người lao động đang làm việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc còn được hưởng chế độ ốm đau theo chế độ từ quỹ BHXH. Theo đó, quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày như sau:

Tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn: Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã từ đủ 30 năm trở lên; bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng đủ 15 năm đến dưới 30 năm; bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng dưới 15 năm.

Sau thời gian nghỉ chữa bệnh, nếu còn yếu, người lao động còn có thể được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Để được hưởng các chế độ trên, người lao động phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng (cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý lao động) về tình trạng sức khỏe, thời gian điều trị (do BHXH và BHYT yêu cầu).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lao động được hưởng chế độ dưỡng sức sau chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.