Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày xuân, cần cẩn trọng với rượu, bia

Minh Bắc| 30/01/2018 14:12

(HNMO) - Bia, rượu các loại nhìn chung đều chứa cồn (ancol etylic etanol), rất độc hại cho cơ thể vì tác động xấu đến toàn bộ giác quan, thể lực, trí tuệ và sức khỏe con người. Thậm chí, rượu bia còn dễ gây tử vong...

Tết đến, xuân về là dịp mọi người dễ cuốn vào những bữa tiệc sum họp, trong đó, rượu bia thường là “đầu câu chuyện”, là sự chúc tụng nhau, nhưng để ngày xuân thêm vui tươi, nồng ấm, an toàn, rất cần kiểm soát rượu bia trong mua bán, sử dụng...


Yếu tố lợi...


Theo Bác sĩ-Tiến sĩ Dương Đình Hiếu - Học viện Quân y 103, nếu dùng chừng mực thì etanol có vị nồng, giúp cải thiện tình trạng chán ăn. Khi vào cơ thể qua đường uống, một phần nhỏ etanol được màng nhầy miệng và thực quản hấp thu; phần lớn hơn được dạ dày và tá tràng hấp thu; số còn lại (khá lớn) xuyên qua ruột non, nhanh chóng tỏa khắp cơ thể con người...

Khoa học đã chứng minh, mỗi ngày uống một ly rượu vang đỏ sẽ rất có lợi cho tim mạch. Nhưng do rượu là một chất gây nghiện, nên kiểm soát được việc uống vừa đủ để có lợi cho sức khỏe là rất khó.

...và hại


Cũng theo BS-TS Dương Đình Hiếu, cơ thể loại trừ etanol bằng 2 cách: Một phần nhỏ etanol được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; phần còn lại được biến đổi do oxy hóa và cho năng lượng. Do yếu tố này mà dân gian cho rằng, uống rượu để chống rét. Thực chất, đây là cảm giác bị đánh lừa vì nó chỉ có tác động ngắn hạn. Khi rượu vào cơ thể, các mạch máu ngoại vi giãn ra để đón nhận nhiều máu chảy qua, đồng thời tỏa rất nhiều năng lượng làm cơ thể mất nhiều nhiệt. Bởi vậy, sau khi uống rượu, đi chơi hoặc ngồi ngoài trời lạnh sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người...

Không chỉ thế, nếu phụ nữ uống rượu còn nguy hiểm hơn nam giới, bởi cùng uống lượng rượu, bia nhưng với phụ nữ, nồng độ cồn trong máu tăng nhanh hơn nam giới; là thai phụ, nếu uống rượu thì dễ thấm qua nhau thai để vào máu của bào thai. Nếu thai phụ uống rượu mạnh thường xuyên có thể gây dị tật bẩm sinh, rối loạn phát triển, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ sau này. Tỉ lệ mắc phải hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai là 0,5-3/1.000 và có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn cơ thể; nguy cơ dị tật do rượu thường nghiêm trọng vào thời kỳ phát triển phôi, hình thành các cơ quan trong cơ thể bào thai. Hệ thần kinh trung ương phát triển sớm nhất và kéo dài đến tuần lễ thứ 16 của thai kỳ, nếu thai phụ dùng nhiều rượu trong thời gian mang thai sẽ tổn hại cho não bộ thai nhi rất nghiêm trọng...

Với con người nói chung, ở các lứa tuổi, nếu dùng rượu bia nhiều, về lâu về dài, gây tổn thương ở các bộ phận cơ thể, nhất là ở gan. Rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan, xơ gan, kích hoạt ung thư gan nhanh chóng... Ngoài ra, các chất trong rượu còn gây ra rối loạn tiêu hóa, tim mạch, sinh dục; gây thiếu hụt dưỡng chất, trong đó có sự thiếu hụt vitamin B1 là nguyên nhân gây bệnh ở não và có thể rối loạn trí nhớ, tổn thương dây thần kinh ngoại biên, suy tim...

Kiểm soát rượu cách nào?

Theo BS-TS Dương Đình Hiếu, rượu đến não làm tăng quá trình sản xuất dopamin, được diễn ra gián tiếp bởi tác động của 2 hệ tế bào thần kinh: hệ opioid vận dụng endomorphin (chất nội sinh có tính chất tương tự morphin) và hệ cannabinoid (chất nội sinh như hoạt chất của cần sa). Nếu con người uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ sinh ra chứng nghiện rượu. Nếu nghiện rượu sẽ kéo theo sức khỏe bị tàn phá, giảm khả năng lao động và gây nhiều hệ lụy cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Lời khuyên của bác sĩ, nếu không may để xảy ra nghiện rượu, cần quyết tâm cai rượu. Để có thể cai rượu thành công, rất cần người cai có ý chí cao, quyết tâm lớn cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế và người thân, sẽ đạt được mục đích.

Tuy nhiên, đối với người đã bị nghiện rượu thì cai rượu là “chặng đường gian nan” vì trong 7-10 ngày đầu cai nghiện sẽ xuất hiện các triệu chứng lo âu, rối loạn tính tình, ngủ không yên, run rẩy, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp...

Thực tế, nếu có quyết tâm cai rượu, cần tham khảo bác sĩ, dược sĩ các loại thuốc hỗ trợ để an thần, có thể làm giảm các triệu chứng thiếu rượu; cần uống nhiều nước trong lúc cai rượu để thận tiếp tục thải chất độc từ rượu. Nếu khó uống nước, cần dùng dịch truyền, bổ sung vitamin để phòng chống các rối loạn thần kinh. Ngoài ra, theo khuyến cáo của các bác sĩ và chuyên gia, nên sử dụng các loại thuốc làm giảm sự thèm rượu và cắt bỏ sự thèm rượu. Dù vậy, người muốn cai rượu không nên tự mua thuốc hoặc tùy ý dùng thuốc theo “cảm tính”, bởi có loại thuốc cai rượu gây tác dụng phụ nguy hiểm như: hôn mê, rối loạn tim mạch, có khi gây tử vong...

Ngày xuân đang tới, Tết đang về, đã đến lúc cần nhắc lại những khuyến cáo trong sử dụng, kiểm soát rượu, bia và chất chứa cồn bởi những tác hại mà nó mang lại cho người sử dụng. Theo thông tin từ các năm trước của Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng xô xát, ẩu đả trong những ngày Tết do không làm chủ được hành vi vì sử dụng bia rượu “quá chén”. Đã có con số hàng nghìn vụ án do sử dụng rượu bia và kéo theo hàng trăm người đã tử vong do nguyên nhân chủ quan và khách quan từ rượu bia... Đây là câu chuyện tuy “cũ” nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự mỗi dịp lễ, Tết, hội hè...

Điều đầu tiên, cần tuyên truyền, vận động, thậm chí là giáo dục trong cộng đồng hiểu rõ tác hại của rượu, bia... để họ tự giác sử dụng sao cho có lợi và tránh hại; đồng thời, các cấp, các ngành chức năng cần “vào cuộc” để có những cam kết, chế tài dành cho hành vi gây rối do sử dụng rượu bia và có hình thức phạt nghiêm khắc đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo rượu bia “chui”, không bảo đảm chất lượng, bởi đây cũng là nguồn “cung” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cộng đồng... Bên cạnh đó, cần có sự kiểm soát chéo ở gia đình, cộng đồng và có quy định nghiêm khắc đối với người sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, khi lái xe và nơi công cộng... nhằm tránh những hành vi quá khích, gây hại cho bản thân và người xung quanh do tác động của rượu bia...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân, cần cẩn trọng với rượu, bia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.