Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Mai Hoa| 12/05/2018 07:55

(HNM) - Tình trạng đuối nước ở trẻ em là mối lo thường trực của nhiều gia đình, nhất là vào mỗi dịp hè.

Phổ biến kiến thức, rèn kỹ năng tập bơi cho trẻ góp phần ngăn chặn xảy ra đuối nước. Ảnh: Hải Anh


Biết bơi thôi chưa đủ

Đông đảo học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa trải qua trải nghiệm thú vị với cuộc thi "Rung chuông vàng" - diễn ra sáng 10-5. Những thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em được truyền tải một cách gần gũi, sống động qua cuộc thi chính là sự bổ trợ hữu ích cho các em trong các hoạt động hè 2018.

Đây là một trong các hoạt động ý nghĩa khởi đầu Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2018, do Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) phối hợp với kênh VTV7 - Đài Truyền hình Việt Nam - và một số đơn vị thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng (Tổng cục TDTT) Nguyễn Thị Chiên cho biết: Cùng với cuộc thi "Rung chuông vàng", Tổng cục TDTT còn phối hợp với VTV7 xây dựng 40 clip về kỹ thuật cơ bản các kiểu bơi ếch, trườn sấp; hướng dẫn xây dựng các mô hình bể bơi, hồ bơi đơn giản, phục vụ dạy bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em và giới thiệu những điển hình tiên tiến trong phòng, chống đuối nước của các đơn vị, địa phương. Các dữ liệu này sau khi hoàn thiện sẽ được đăng tải rộng rãi trên các hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin đa nền tảng của VTV, chỉ cần một cú "click" chuột, các nhà trường có thể tiếp cận nguồn thông tin hữu ích này.

Việc phổ biến kiến thức về bơi an toàn, phòng, chống đuối nước thực sự rất cần thiết, bởi thực tế cho thấy chỉ biết bơi thôi là chưa đủ. Những nguyên nhân chính gây ra đuối nước ở trẻ em là sự xao nhãng, bất cẩn, chủ quan, vô ý của người lớn, hoặc do trẻ thiếu ý thức, kiến thức và kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước, hoặc do môi trường sống không an toàn... Vì vậy, như khẳng định của Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng (Tổng cục TDTT) Nguyễn Ngọc Anh, mục tiêu của Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2018 là "huy động sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi trong việc phòng, chống đuối nước".

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, chương trình sẽ được triển khai đồng bộ trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Lễ phát động trẻ em toàn quốc học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước sẽ được tổ chức ngày 20-5 tại Ninh Bình, sau đó, các đơn vị sẽ lần lượt tổ chức phát động tại địa phương, gắn với khai mạc các hoạt động hè của thiếu niên, nhi đồng.

Nhân rộng mô hình tiêu biểu

Phòng, chống đuối nước không phải việc "ngày một, ngày hai", nhất là trong bối cảnh chúng ta còn có khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu bể bơi. Giải pháp được ưu tiên là tập trung đầu tư cho các địa phương có số vụ đuối nước cao. Trong đó, phổ cập bơi được ưu tiên hàng đầu, thông qua việc tạo ra nhiều loại hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em. Theo thống kê của ngành TDTT về số lượng bể bơi, hồ bơi đơn giản, tính đến ngày 31-12-2017, cả nước có 3.510 bể bơi và cải tạo được 5.881 điểm ao, hồ, sông ngòi phục vụ việc dạy bơi.

Bên cạnh đó, việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu cũng được ưu tiên. Ví như chính sách cộng điểm ở Trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - khuyến khích 2,5 điểm cho thí sinh nào biết bơi và có thể bơi được chiều dài 21m không hạn chế thời gian. Tại một số trường ở tỉnh Bến Tre, học sinh có giấy chứng nhận phổ cập bơi được cộng thêm 0,5 điểm tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Ở Hà Nội - địa phương tiêu biểu về phổ cập bơi, hằng năm, các trung tâm văn hóa, thể thao cấp quận, huyện cũng như ở một số câu lạc bộ thể thao, khu vui chơi, giải trí, khách sạn... đều có kế hoạch phòng, chống đuối nước. Một số bể bơi công lập thuộc quản lý của ngành TDTT có chế độ miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em và dành ít nhất 30% thời gian hoạt động cho các trường học thực hiện chương trình dạy bơi cho học sinh...

Cùng với các giải pháp nói trên, với chủ trương "tận dụng mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước", theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Hoàng Yến, Tổng cục TDTT đề cao sự vào cuộc của các câu lạc bộ bơi quần chúng. Thời gian tới, các nhà quản lý cũng tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 600 hướng dẫn viên của 63 tỉnh, thành phố, 300 tuyên truyền viên là cán bộ Đoàn, Đội nhằm tạo nên các "máy cái" trong tuyên truyền và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước ở địa phương.

Một số chỉ tiêu đến năm 2020 về phòng, chống đuối nước

- 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình Bơi an toàn cho trẻ em.
- 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
- Tất cả cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.