Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình bơi an toàn và phòng chống đuối nước trẻ em: Đề ra giải pháp, chỉ tiêu cụ thể

Mai Hoa| 21/07/2018 07:37

(HNM) - Sơ kết hoạt động của Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, một yêu cầu với các nhà quản lý thể dục thể thao là phải tập hợp bài học kinh nghiệm, chủ động đề ra giải pháp, đặt ra chỉ tiêu cụ thể nhằm giảm tình trạng đuối nước.

Học bơi giúp trẻ phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Sơn Hà


- Bà có thể chia sẻ đôi điều về kết quả mà Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đạt được tính đến thời điểm này?

- Chúng tôi đã tổ chức lễ phát động và hướng dẫn các địa phương phát động phong trào trẻ em học bơi, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của trẻ em và toàn xã hội về vai trò, tác dụng và sự cấp thiết của việc học bơi đối với phát triển thể lực, tầm vóc và phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh việc phát động, tuyên truyền, chúng tôi triển khai đồng thời các nhiệm vụ trọng tâm như đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, hỗ trợ tài liệu chuyên môn và hướng dẫn các địa phương xây dựng, lắp đặt các mô hình bể bơi đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất cho việc tổ chức dạy bơi...

Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phê duyệt chính sách ưu tiên dạy môn bơi và hướng dẫn kiến thức kỹ năng cho học sinh trong chương trình giáo dục thể chất. Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao quy định ưu tiên phát triển môn bơi trong trường học.

- Những con số nào "lượng hóa" được hiệu quả của chương trình, thưa bà?

- 2.000 hồ bơi, bể bơi, lồng bơi đơn giản đã được hình thành tại các khu vực nông thôn mới. Hơn 10 nghìn học viên đã được tập huấn, trở thành những "máy cái" phổ biến, triển khai mô hình bơi an toàn ở địa phương. Số cộng tác viên thể dục thể thao hiện nay đã đạt 42.850 người. Các nhà quản lý thể thao cũng đã chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước với 375 học viên...

Các lớp dạy bơi được tổ chức rộng rãi nhằm tăng tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi. Ảnh: Tân Xuân


- Tuy nhiên, đã từng có những băn khoăn về hiệu quả thực sự của các lớp tập huấn ngắn ngày này...

- Đây là một giải pháp cần thiết và có hiệu quả nhất định. Nếu không có các hạt nhân nắm chắc và hiểu rõ về chương trình, việc triển khai tại địa phương chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Kết hợp với việc tổ chức tập huấn, chúng tôi còn chủ động phối hợp với Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD-ĐT và các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu dành cho nhân viên cứu hộ đuối nước, tổ chức 7 lớp với sự góp mặt của 820 nhân viên cứu hộ. Bên cạnh đó, Vụ Thể dục thể thao quần chúng cũng đã hỗ trợ về chuyên môn, tài liệu tổ chức tập huấn cho các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng… Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch, đề án triển khai chương trình trên địa bàn. Các xã, phường, trường học thuộc 63 tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại 3.510 bể bơi các loại. Một số địa phương đang tiếp tục triển khai lắp đặt bể bơi và đẩy mạnh việc phổ cập bơi cho trẻ em như: Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương…

- Việc tuyên truyền về nguy cơ đuối nước và các biện pháp phòng, chống cũng có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả của chương trình, thưa bà?

- Tổng cục Thể dục thể thao đã phối hợp xây dựng clip và phát sóng 40 clip trên kênh VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện tại, Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã gửi Công văn số 927/TCTDTT tới các đơn vị của 9 bộ, ngành liên quan, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương nhằm kết nối chuyên mục về “Bơi an toàn, phòng chống đuối nước” với 40 clip đăng trên Cổng thông tin của Tổng cục Thể dục thể thao. 10.000 tờ tranh kỹ thuật dạy bơi trườn sấp và bơi ếch, 5.000 tờ gấp về kỹ năng phòng chống đuối nước đã được in và phổ biến. Hiện 10.000 quyển sách hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước dành cho trẻ em đang tiếp tục được biên soạn.

- Từ nay đến cuối năm, Vụ Thể dục thể thao quần chúng sẽ làm gì để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em bị đuối nước?

- Giảm tỷ lệ đuối nước là việc không dễ hoàn thành, đòi hỏi sự bền bỉ và chuyên tâm. Để tăng tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi, Vụ Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục tổ chức 21 lớp tập huấn nghiệp vụ, phối hợp các đơn vị kết nối chuyên đề Chương trình bơi an toàn trên trang thông tin của Tổng cục với website của các đơn vị, đồng thời kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai ở một số địa phương để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở. Sắp tới, một hội nghị về đẩy mạnh triển khai chương trình sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9-2018. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi an toàn, phòng chống đuối nước...

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình bơi an toàn và phòng chống đuối nước trẻ em: Đề ra giải pháp, chỉ tiêu cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.