Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều trở ngại

Việt Tuấn| 26/09/2018 06:56

(HNM) - Theo kế hoạch, đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho 100% các xã. Đến nay, UBND thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước sạch, nếu hoàn thành sẽ góp phần phủ kín 94% khu vực nông thôn...

Hà Nội đang rà soát, đánh giá hiện trạng các dự án cấp nước sạch trên địa bàn.


Nhiều dự án không hiệu quả

Theo kết quả giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, tại các quận, huyện, thị xã hiện có 11 dự án phát triển nguồn nước sạch mới được đầu tư xây dựng. Đến nay đã có 1 dự án hoàn thành đưa vào khai thác vận hành đầu năm 2018; 3 dự án theo kế hoạch đến tháng 12-2018 hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành; 7 dự án được phê duyệt tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020 (có 2 dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch). Về phát triển dự án mạng lưới cấp nước sạch, trong số 23 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay mới có 14 dự án hoàn thành, đáp ứng khả năng đấu nối cung cấp nước cho khoảng 52% người dân ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 119 dự án trạm cấp nước sạch nông thôn được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2017.

Cũng theo kết quả giám sát, đến tháng 6-2018, mới có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000m3/ngày đêm, cấp nước ổn định cho khoảng 100.000 hộ dân (chiếm khoảng 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố); 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đầu tư dở dang không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động.

Theo ý kiến của nhiều thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố, ngoài khó khăn triển khai mở rộng mạng lưới, người dân cũng ít dùng nước sạch khi có mạng lưới hoàn chỉnh, dẫn đến càng khó khăn đối với các nhà đầu tư trong việc duy trì vận hành. Đơn cử như: Dự án Trạm cấp nước xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) quy mô công suất cấp nước cho 3.960 hộ dân, nhưng đến tháng 6-2018 mới có 1.650 hộ đấu nối sử dụng nước; Dự án cấp nước sạch cho 11 xã của huyện Quốc Oai hoàn thành và cấp cho 8 xã, sau gần một năm mới có 5.500/15.500 hộ đấu nối sử dụng nước...

Là đơn vị được thành phố giao thanh tra các dự án trạm cấp nước sạch nông thôn đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Thúy Hằng thông tin, trong số 98 dự án công trình cấp nước sạch nông thôn có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chỉ có 67 công trình cơ bản đầy đủ hồ sơ; 25 công trình hồ sơ không đầy đủ, 6 công trình không có hồ sơ.

Giải pháp nào?

Về nguồn vốn đầu tư, theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Mai Xuân Vinh, hiện thành phố đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho các dự án cấp nước sạch, đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, nhưng nhiều nhà đầu tư không đáp ứng được điều kiện vay. Hiện nay, Sở đang tham mưu với UBND thành phố về phương án kêu gọi, thu hút các nguồn lực cho lĩnh vực này, nhất là việc tiếp nhận, nâng cấp, quản lý vận hành các trạm cấp nước sạch nông thôn hiện có.

Tại buổi giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân đề nghị, để hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn theo kế hoạch, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng kế hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận. Hiện tại, một số xã thuộc các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất khó khăn trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp nước. Do đó, Sở Xây dựng cần sớm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát địa bàn chưa có nước sạch, chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống cấp nước.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nguyễn Thanh Bình (thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố) cho rằng, hiện tại, ở một số địa phương, giá bán nước sạch và giá lắp đặt đồng hồ đo nước không chung một mức giá, dẫn đến người dân so bì, không hợp tác. Do đó, Sở Tài chính cũng sớm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án giá bán nước sạch và giá lắp đặt đồng hồ đo nước nhằm thống nhất thực hiện, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp.

Để khắc phục việc nhiều hộ dân khu vực nông thôn không dùng nước sạch khi đã có mạng lưới cung cấp, nhiều thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố đề nghị, các sở, ngành của thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị quản lý vận hành trạm cấp nước khẩn trương điều chỉnh, bổ sung công nghệ bảo đảm chất lượng nước. Trong đó, giải pháp số một là ưu tiên chuyển đổi nguồn cấp nước từ khai thác nước ngầm sang nước mặt để người dân yên tâm sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, UBND thành phố rất quan tâm đến lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn qua việc ban hành 11 thông báo kết luận các cuộc họp từ năm 2016 đến nay. Tuy vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do khả năng thu hồi vốn thấp.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều trở ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.