Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng tránh sự cố điện mùa mưa bão

Gia Bảo| 19/10/2018 06:28

(HNM) - Đang bước vào cao điểm mùa mưa bão lẫn triều cường nên nguy cơ mất an toàn điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại TP Hồ Chí Minh.

Nguy cơ mất an toàn lưới điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão, triều cường.


Ghi nhận tại các tuyến phố Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức), Lê Văn Thịnh (quận 2), Nguyễn Thông (quận 3)…, hệ thống lưới điện và cáp viễn thông kéo dây chằng chịt trên các trụ điện ở dọc các tuyến đường. Mỗi khi mưa bão, triều cường dâng cao, người dân sống xung quanh khu vực này không khỏi lo lắng vì nguy cơ mất an toàn điện thường trực. Bà Lê Thị Tư, ngụ tại đường 39 (phường Bình Trưng Tây, quận 2) cho hay, mỗi khi có giông lốc, gia đình bà và các hộ dân xung quanh thường xuyên chứng kiến cảnh đường ở đây ngập nước. Trong khi, đường dây điện và cáp viễn thông lại giăng chằng chịt dọc tuyến đường khiến các hộ dân luôn thấp thỏm lo âu.

Theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), khi mưa bão xảy ra có thể gặp những tình huống tai nạn điện như: Dây điện bị đứt, rơi xuống đường do cây đổ, rò điện trên cột điện, dây chằng cột điện, dây nối đất ở các cột điện… Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão, điều kiện thời tiết ẩm ướt, nguy cơ chạm chập cục bộ thiết bị điện gia dụng trong nhà cao, có khả năng bị điện giật, cháy nổ. Vì vậy, người dân cần chủ động cắt điện để phòng tránh sự cố...

Cùng với đó, EVNHCMC cũng đưa ra các khuyến cáo cho người dân khi có mưa bão, ngập nước. Cụ thể, tuyệt đối không trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao; không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời; ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn… Mặt khác, tuyệt đối không sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện...) làm nơi định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh...

Để chủ động trong việc bảo đảm an toàn lưới điện, EVNHCMC thường xuyên kiểm tra, phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cùng khu quản lý đô thị, Công ty Công viên cây xanh xử lý các nguy cơ cây xanh, biển quảng cáo, lều, lán... có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, nguồn lực để ứng trực và xử lý khắc phục hậu quả.

Hiện EVNHCMC đã ngầm hóa lưới điện trung và hạ thế, kết hợp ngầm hóa dây thông tin trên toàn thành phố đạt tỷ lệ 39,5% khối lượng điện trung thế (2.784/7.047km) và 14,5% khối lượng hạ thế (1.817/12.472km). Trong đó, khu vực trung tâm quận 1, quận 3 đã ngầm hóa 94% lưới điện trung thế và 33% lưới điện hạ thế. Thời gian tới, EVNHCMC quyết tâm sẽ sớm xóa được “mạng nhện”, mang lại bộ mặt mỹ quan cho thành phố.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, một trong những công tác quan trọng nhất để bảo đảm an toàn là đẩy mạnh công tác ngầm hóa lưới điện, nâng cao năng lực cung cấp điện. Qua đó góp phần cải thiện mỹ quan, môi trường sống cho người dân. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho toàn bộ khu vực trung tâm thành phố; đối với các quận, huyện còn lại sẽ thực hiện ngầm hóa tại các khu vực trung tâm hành chính, thương mại. Đến năm 2025, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên phạm vi toàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh sự cố điện mùa mưa bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.