Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng trẻ béo phì ở thành thị: Ngăn chặn trước khi quá muộn

Thu Trang| 10/11/2018 07:08

(HNMO) - Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng vọt trong hơn 20 năm qua.

Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho học sinh tại Trường THCS Chu Văn An để tránh tình trạng béo phì. Ảnh: Nguyễn Anh


Không thừa nhận béo phì là... bệnh

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đang gia tăng nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Cụ thể, năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều ở mức 12%. Thế nhưng, hiện tỷ lệ này đã chạm mức hơn 50% tại TP Hồ Chí Minh và khoảng 41% tại Hà Nội (khu vực nội thành). Xét nghiệm của 500 trẻ béo phì cho thấy, tỷ lệ rối loạn mỡ máu dao động 35-50%.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, một nghiên cứu do Viện phối hợp với Viện Nghiên cứu y - Xã hội học tiến hành chỉ ra nguyên nhân chính khiến gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì là do tâm lý các bà mẹ luôn muốn con mình ăn được nhiều và mập. Quan điểm của nhiều bà mẹ cho rằng, béo là đẹp, béo là sung túc vì họ bị ám ảnh về sự thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Nghiên cứu này cũng cho thấy, có đến 1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết. Thậm chí, 15% số người có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục béo hơn.

Có mặt tại Trung tâm Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và Kiểm soát béo phì (Viện Dinh dưỡng quốc gia) vào sáng 8-11, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, đa phần trẻ được đưa đến đây khám đều là những trẻ bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ Phan Thị Bích Nga, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Các bậc phụ huynh chỉ lo lắng khi con bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân mà chưa quan tâm nhiều khi con bị thừa cân, béo phì. Ở đây chúng tôi đã gặp những trường hợp trẻ mới 22 tháng tuổi nặng gần 25kg hay có trẻ 6 tuổi đã nặng tới 45kg, gấp đôi so với các bạn cùng tuổi… Dù vậy, cha mẹ vẫn để con uống tới hơn 2 lít sữa/ngày, “nạp” nước ngọt có ga, ăn các đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo và đường…".

Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam dẫn chứng, nếu có một đứa con còi thì áp lực với người mẹ sẽ tăng gấp đôi, gấp ba so với những mẹ có con bình thường. Thế nhưng, nếu con bị thừa 4-5kg so với chuẩn thì bà mẹ lại được khen chăm con khéo. Chính vì vậy, khi thấy con mình nhỏ bé, nhiều mẹ lo tẩm bổ bằng mọi cách để con béo lên, dù đứa trẻ đó đang hoàn toàn khỏe mạnh. “Việc ăn uống vô tội vạ hôm nay có khi hàng chục năm sau mới biết rõ sự nguy hại thế nào đối với sức khỏe”, Tiến sĩ Từ Ngữ nói.

Từ kinh nghiệm điều trị những trẻ béo phì, Tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, chúng ta cần xác định béo phì là bệnh, có bệnh thì phải chữa. Thế nhưng, đa phần các bậc phụ huynh không cho béo phì là bệnh, vì thế người ta chỉ đề cập đến phòng ngừa thừa cân, béo phì mà không nói việc điều trị bệnh béo phì.

Dinh dưỡng hợp lý và tăng vận động

Tập luyện thể thao sẽ giúp trẻ tránh tình trạng béo phì.


Một điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia về hoạt động thể lực của trẻ trong 3 ngày (có cả ngày đi học, ngày ở nhà) bằng việc đeo máy đo bước chân cho thấy, hoạt động thể lực của trẻ chỉ đạt ở mức trung bình và là chuyển động đơn thuần, còn hoạt động thể dục, thể thao gần như không có.

Từ thực tế này, Thạc sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, ngủ dưới 8 tiếng/ngày sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì gần gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nặng, ngủ đủ, ngồi máy tính ít. Chính vì vậy, học sinh ở lứa tuổi tiểu học cần vận động thể dục, thể thao 1-2 tiếng/ngày. Mặt khác, cho trẻ cân thường xuyên vào một ngày cố định trong tháng trước khi ăn. Nếu con tăng cân vượt chuẩn liên tiếp trong vòng từ 3 đến 5 tháng, bố mẹ cần có biện pháp điều trị ngay để tránh cho con bị béo phì. Khi bé đã định hình thói quen ăn uống, thừa quá nhiều cân bố mẹ mới can thiệp thì rất khó để giảm cân.

Tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục cũng khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng hoạt động thể lực, giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Ngoài ra, thời gian ngủ, với trẻ 0-5 tuổi là 11 giờ/ngày; 5-10 tuổi là 10 giờ/ngày; trên 10 tuổi là 9 giờ/ngày.

Cũng theo Tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, việc phòng chống thừa cân, béo phì không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần sự phối hợp của nhiều ngành khác, trong đó có ngành Giáo dục. Nhà trường cần cân đối bữa ăn học đường, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao. Mặt khác, trẻ cần được giáo dục để nhận thức được tác hại của béo phì và cách phòng chống. Bên cạnh đó, cha mẹ cần làm gương cho con về thói quen vận động và ăn uống cân đối, lành mạnh; động viên và khuyến khích con chơi thể thao hoặc tham gia các trò chơi vận động thay vì chơi game, “lướt” Facebook...

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc tiêu thụ nước giải khát 1 - 3 lần/ngày làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ lên khoảng từ 2 đến 6 lần. Tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường hằng ngày làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 2 lần.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng trẻ béo phì ở thành thị: Ngăn chặn trước khi quá muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.