Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt về cải cách hành chính, quản lý dân cư

Hà Phong| 26/06/2016 06:26

(HNM) - Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 đã phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, đồng thời gắn việc cấp giấy khai sinh với việc cấp số định danh cá nhân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho rằng, Luật Hộ tịch là bước ngoặt trong cải cách hành chính, quản lý dân cư. Việc triển khai đòi hỏi công chức tư pháp, nhất là ở cấp xã phải có trình độ, đạo đức công vụ, luôn cập nhật những kỹ năng nghiệp vụ mới...

Ông Phạm Thanh Cao - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội.


Phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở

- Trong số những điểm mới của Luật Hộ tịch, ông đánh giá cải cách nào có tính chất bước ngoặt?

- Luật Hộ tịch có nhiều điểm mới, nhưng tôi cho rằng quy định mang tính “cách mạng” trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư là việc đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người được khai sinh. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, khi đăng ký khai sinh thì cùng với việc được cấp giấy khai sinh, công dân mới sẽ đồng thời được cấp số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác, theo suốt cuộc đời của công dân đó. Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.

Cách làm này một mặt sẽ bảo đảm độ chính xác trên tất cả giấy tờ công dân, mặt khác khi thực hiện trên toàn quốc, thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất, dần chấm dứt việc quản lý bằng hộ khẩu, cắt giảm hầu hết giấy tờ cá nhân. Các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, giảm đáng kể chi phí đi lại của cả người dân và cơ quan nhà nước. Những số liệu có được từ đăng ký, quản lý hộ tịch còn là dữ liệu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Vấn đề quan trọng không kém là, từ việc số hóa công tác quản lý hộ tịch, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây...

- Một vấn đề khi phân cấp thẩm quyền cho địa phương là cách hiểu quy định pháp luật của từng địa phương đôi khi không thống nhất, dẫn đến việc thực hiện khác nhau làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Với những tình huống này, Hà Nội giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Thực tế, theo quy định của luật thì công việc của cán bộ tư pháp - hộ tịch (TP-HT) cấp xã sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì gần như UBND cấp xã toàn quyền trong đăng ký hộ tịch theo quy định của luật mà không cần phải phối hợp liên ngành cũng như không cần phải xin ý kiến cấp trên như trước. Tôi nghĩ rằng, những điểm ưu việt của luật sẽ hạn chế tối đa tình trạng mỗi nơi làm mỗi khác. Tuy nhiên, những chệch choạc nhỏ trong giai đoạn triển khai quy định mới cũng khó tránh khỏi. Ngoài việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp toàn thành phố, Sở Tư pháp còn có đường dây nóng hỗ trợ các quận, huyện, thị xã triển khai Luật Hộ tịch. Nếu ngoài thẩm quyền thì Sở sẽ hỏi Bộ Tư pháp.

- Một trong những thay đổi quan trọng trong Luật Hộ tịch mới là bỏ quy định phỏng vấn trong thủ tục đăng ký kết hôn (ĐKKH) với người nước ngoài. Tuy nhiên, điều này từng bị nhiều địa phương phản đối. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Hà Nội thu hút ngày càng nhiều dân cư tại các vùng miền đến lập nghiệp, lập cư, làm ăn, trong đó có rất nhiều đối tượng là người nước ngoài, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc… làm cho nhu cầu đăng ký hộ tịch nói chung cũng như hộ tịch có yếu tố nước ngoài nói riêng trong những năm gần đây tăng nhanh chóng. Việc giao cho cấp quận, huyện giải quyết nhiều thủ tục, đặc biệt là hồ sơ ĐKKH có yếu tố nước ngoài vừa tránh tình trạng hồ sơ kết hôn dồn hết về Sở Tư pháp gây ùn ứ, vừa phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Về việc quy định phỏng vấn trong thủ tục ĐKKH với người nước ngoài thì đây từng được coi là rào cản pháp lý để tránh tình trạng buôn người, bảo đảm hôn nhân lành mạnh, kiểm tra xem các bên hiểu nhau đến đâu. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy biện pháp này còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ phỏng vấn nhưng lại không nắm rõ thông tin của đối tượng, từ đó dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm, gây phiền hà đối với người dân. Vì vậy, để bảo đảm lợi ích của người dân, tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính, tôi cho rằng bỏ thủ tục phỏng vấn khi kết hôn có yếu tố nước ngoài là cần thiết.

- Về bản chất, việc chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài là thực hiện một bước căn bản về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Quy định này được các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với mong muốn giúp người dân tiết kiệm thời gian và thuận lợi trong thực hiện các thủ tục. Vậy, gần 6 tháng qua, kết quả Hà Nội thực hiện ra sao, đã rút ngắn thời gian ĐKKH thế nào so với trước đây?

- Ngay trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, tại cổng thông tin Sở Tư pháp và cửa phòng tiếp nhận hồ sơ có thông báo về việc thay đổi thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, việc ĐKKH, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài sẽ do UBND quận, huyện, thị xã thực hiện thay vì Sở Tư pháp như lâu nay. Do vậy, người dân Thủ đô không có nhiều bỡ ngỡ trong giai đoạn chuyển tiếp.

Từ khi luật có hiệu lực, với việc bỏ quy trình phỏng vấn khi kết hôn có yếu tố nước ngoài, đã giảm hơn nửa thời gian làm thủ tục so với trước (15 ngày), quy trình thông thoáng hơn, không để xảy ra tình trạng phải chờ đợi, bị động, được người dân phản hồi tích cực. Tôi cho rằng, việc chuyển giao này đã mở ra cơ hội quan trọng cho UBND quận, huyện, thị xã cũng như các phòng, ban chức năng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, nắm chắc một cách toàn diện công tác hộ tịch, đề ra và thực hiện quy trình mới trong công tác này...

Việc chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài giúp công tác quản lý hộ tịch của các quận, huyện, thị xã từ sau ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực trở nên đồng bộ, toàn diện, cân đối, không bị chồng chéo về thẩm quyền, gắn trực tiếp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc phân cấp mạnh về cơ sở còn mở ra cơ hội nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hộ tịch. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới, buộc cán bộ làm công tác này phải có năng lực, kỹ năng tương ứng, như phải có trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài.

- Song, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới về triển khai Luật Hộ tịch mới cũng cho thấy, có hiện tượng “vừa làm vừa run”?

- Lúc đầu, đúng là có hiện tượng ấy. Về nhận thức, không chỉ trong công tác tư pháp mà trong các công tác quản lý nhà nước khác, mọi vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài lâu nay đều do cấp tỉnh giải quyết. Vì thế, nhiều cán bộ tư pháp lo ngại về khả năng đảm đương nhiệm vụ khi ngoại ngữ không phải là lợi thế của họ. Chưa kể, việc tăng thêm yếu tố nước ngoài vào công vụ đòi hỏi đội ngũ này và cả cán bộ, chuyên viên hỗ trợ, phối hợp giải quyết phải am hiểu không chỉ Luật Hộ tịch mà còn các luật khác liên quan như hôn nhân gia đình, công chứng, dân sự, lao động... nên không tránh khỏi lo lắng.

Nhiều ý kiến từng phản ánh về Sở Tư pháp, thực sự chưa rõ nội dung của sự chuyển giao thẩm quyền trong ĐKKH có yếu tố nước ngoài là gồm những vấn đề gì. Lại có những vấn đề khi triển khai vừa phải xem luật, vừa đối chiếu nghị định, thông tư nên không khỏi lúng túng hoặc áp dụng nhầm quy định cũ. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Sở Tư pháp là phải chuyển giao đồng bộ, đặc biệt là số liệu thống kê, tài liệu lưu trữ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện thẩm quyền tiếp theo của cấp quận. Bên cạnh việc chuyển giao quy trình, kinh nghiệm thực hiện công tác cũng rất quan trọng. Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn quán triệt đầy đủ nội dung các quy định của pháp luật về hộ tịch và các pháp luật liên quan; quy trình thực hiện các thủ tục; cơ chế phối hợp, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan trong phối hợp giải quyết đăng ký hộ tịch liên quan đến yếu tố nước ngoài. Trong đó, các quy trình giải quyết theo thẩm quyền mới được chuyển giao từ cấp tỉnh nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân. Kết quả tập huấn đã bảo đảm tạo chuyển biến sâu sắc nhận thức từ trong cấp ủy, lãnh đạo chính quyền đến cán bộ, chuyên viên làm công tác hộ tịch, để chuyển thành hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ hộ tịch

- Từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, Hà Nội không có đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực kết hôn với người nước ngoài. Song với việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cho trẻ em, không ít người dân phàn nàn con, cháu họ từ nam thành nữ, từ nữ thành nam. Phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Đây là kết quả thí điểm việc sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh của Bộ Tư pháp tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và huyện Quế Phong (Nghệ An).

Giai đoạn này vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không tránh khỏi lúng túng nhưng chúng tôi đã cấp được cho gần 37 nghìn trẻ em, với thời gian khoảng 5 phút/trường hợp và số lượng được cấp chiếm hơn 50% phần việc của các tỉnh thí điểm gộp lại. Gần 300 trường hợp nhập sai, nghe qua thì quả thật lớn nhưng nếu so với số lượng trẻ em được đăng ký khai sinh thì tỷ lệ sai sót là rất nhỏ - chưa đến 1%.

Dù vậy, Sở Tư pháp đã nghiêm khắc phê bình những địa phương có những sai sót nêu trên. Chúng tôi yêu cầu cán bộ tư pháp cập nhật sai tên, giới tính, ngày sinh của người dân, phải xin lỗi người dân. Đồng thời, địa phương đó phải chủ động sửa lại cho người dân, không làm phát sinh kinh phí, thời gian đi lại của người dân.

- Sở Tư pháp có biện pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn để họ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc?

- Với những thay đổi mang tính đột phá như trên, một trong những vấn đề được xem là cốt lõi, trọng tâm trong việc triển khai luật mới này chính là yếu tố con người. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội về cải tiến mô hình quản lý và đăng ký hộ tịch theo hướng tập trung việc đăng ký hộ tịch vào hai cấp xã, huyện; UBND thành phố, Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn cả về số lượng và chất lượng trong 5 năm tới và các năm tiếp theo. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác TP-HT về cơ bản đều đạt các tiêu chuẩn chức danh theo quy định, có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, so với yêu cầu, việc bố trí đủ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu, máy móc trang bị còn nghèo nàn, đặc biệt là ở các huyện. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Luật Hộ tịch quy định rất cụ thể trách nhiệm, chế tài xử lý đối với công chức TP-HT sai phạm, trách nhiệm của chủ tịch UBND từ cấp tỉnh đến huyện, xã trong việc bố trí công chức TP-HT, cũng như để xảy ra sai phạm trên địa bàn do buông lỏng quản lý. Vì vậy, sau gần 6 tháng triển khai, đây là thời điểm Sở Tư pháp đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ công chức TP-HT, dự kiến từ nay đến hết năm 2016 phải chuẩn hóa, nâng cao trình độ hơn nữa đối với toàn bộ đội ngũ này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt về cải cách hành chính, quản lý dân cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.