Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển và bảo đảm cảnh quan đô thị

Việt Nga thực hiện| 10/09/2017 07:12

(HNM) - Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Hà Nội không chỉ là nơi đặt trụ sở chính mà còn là một trong hai thị trường lớn, trọng điểm phải tập trung đầu tư. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú


Bảo đảm an toàn, bảo vệ cho mạng lưới và làm đẹp cảnh quan

- Từ năm 2009, UBND thành phố và UBND một số quận đã đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Vậy kết quả thực hiện đến nay ra sao?

- Ngay từ trước năm 2010, để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố và UBND các quận, huyện đã triển khai đầu tư, xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (hào, tuynel, cống, bể kỹ thuật) để hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông đi nổi tại các tuyến phố.

Đến hết năm 2015, có 162 tuyến đã có hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật với tổng chiều dài trên 370km được đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn vốn của doanh nghiệp (trong đó doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa và tự quản lý 8 công trình ngầm với tổng chiều dài 12,6km). Từ năm 2016, thành phố đã chuyển đổi cơ chế đầu tư xây dựng và quản lý, duy tu, khai thác, sử dụng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo phương thức xã hội hóa.

Cụ thể, việc xây dựng các công trình ngầm này do doanh nghiệp tự đầu tư, quản lý và cho thuê để thu hồi vốn đã đầu tư xây dựng. Việc quản lý, duy trì và khai thác, sử dụng các công trình ngầm đã đầu tư bằng vốn ngân sách (trước đó) cũng được bàn giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, duy tu theo giá thành phố phê duyệt, để từng bước thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách.

- Cùng với việc hạ ngầm, thành phố vẫn tiếp tục yêu cầu chỉnh trang đô thị trong đó có cả việc thanh thải, bó gọn dây cáp đi nổi nhằm làm đẹp cảnh quan tại những khu vực chưa thể hạ ngầm?

- Đúng vậy, việc thanh thải, bó gọn dây cáp đi nổi không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông và bảo đảm an toàn thông tin cho các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Trong giai đoạn 2016-2018, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây, cáp viễn thông và đường dây điện lực tại các tuyến phố chính trong 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng (khoảng 200 tuyến phố). Giai đoạn 2018-2020, tiếp tục triển khai hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây, cáp viễn thông và đường dây điện lực tại các tuyến phố chính còn lại.

Còn với các tuyến phố, các ngõ trên địa bàn các quận, khu vực trung tâm các huyện, thị xã chưa đủ điều kiện để hạ ngầm thì tiếp tục thực hiện thanh thải, sắp xếp và bó gọn các đường dây, cáp viễn thông đi nổi.

- Tại hội nghị Hà Nội - Hợp tác và Đầu tư năm 2016, UBND thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với 4 doanh nghiệp lớn (VNPT, Viettel, MobiFone, EVN Hà Nội), trong đó việc các đơn vị này cam kết chi 3.500 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật. Công việc này đã được thực hiện đến đâu, thưa bà?

- Theo tôi, tiến độ thực hiện các cam kết này là khả quan. Trong năm 2016, thành phố đã hoàn thành xây dựng công trình ngầm tại 17 tuyến phố, tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thi công tuyến phố Thụy Khuê. Tính đến ngày 1-9-2017, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã triển khai thi công được 36/57 tuyến. Trong đó có 6 tuyến đã cơ bản hoàn thành (Hoa Lư, Võ Thị Sáu, Trần Khát Chân, Châu Long, Ngọc Hà và Đội Cấn). Hiện, liên ngành do Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì đã tổng hợp được 45 tuyến phố dự kiến trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận trong tháng 9-2017 để các nhà đầu tư triển khai, thực hiện.

Như vậy theo kế hoạch trong 2 năm 2016, 2017, các doanh nghiệp đã đầu tư ngầm hóa 120 tuyến phố. Cũng cần nói thêm là trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015, doanh nghiệp chỉ đầu tư ngầm hóa được có 8 tuyến phố. Qua đó có thể thấy, thành phố có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung để hạ ngầm mạng cáp viễn thông.

- Theo tôi quan sát, tại các tuyến phố đã thực hiện hạ ngầm nhưng có không ít doanh nghiệp cố tình treo dây đi nổi… Vậy Sở có biện pháp gì để xử lý các vi phạm này?

- Để xử lý tồn tại này, đối với các tuyến phố đã đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung, để hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông đi nổi, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TT-TT, các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan cắt hạ các đường dây cáp thừa, cáp không sử dụng và thu hồi các cột (cột bưu điện, cột điện lực) không còn sử dụng để bảo đảm trên tuyến được khang trang, sạch đẹp. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan xử lý như cắt bỏ các đường dây, cáp vi phạm và xử phạt theo quy định.

Định hướng và thống nhất trong quản lý

- Vậy, đâu là lý do để TP Hà Nội ban hành Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2020, định hướng đến năm 2030?

- UBND thành phố đã giao Sở TT-TT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch này. Việc xây dựng quy hoạch là cần thiết nhằm đưa ra những định hướng cụ thể trong phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị của thành phố và xu thế phát triển viễn thông, công nghệ thông tin của thế giới. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng nhằm thống nhất quản lý việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại Hà Nội, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong vấn đề này.

Thêm nữa, bản quy hoạch này được xây dựng trong bối cảnh lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, xu hướng hội tụ công nghệ 3G, 4G... phát triển mạnh mẽ, nên quá trình chuẩn bị và thông qua quy hoạch được thực hiện kỹ.

- Hạ ngầm nhằm tạo cảnh quan đẹp cho phố phường, bảo đảm an toàn cho người dân là vấn đề cấp thiết. Đó cũng là lý do mà thành phố yêu cầu tiếp tục phải hạ ngầm toàn bộ dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến vành đai, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dân cư mới?

- Về vấn đề này tôi có thể nói rõ thêm, theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Luật Viễn thông năm 2009, Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị thì “Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở mới và các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuynel kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với đô thị cũ, đô thị cải tạo, UBND cấp tỉnh, thành phố phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuynel kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi”.

Như vậy, để thấy rằng, việc quy hoạch đồng bộ xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông là quy định bắt buộc thực hiện đối với các chủ đầu tư. Điều này cũng phù hợp với các quy định của pháp luật và Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020.

- Thành phố cũng yêu cầu các nhà mạng phải chuyển đổi, lắp đặt các cột ăng ten cồng kềnh sang các cột không cồng kềnh hoặc trạm thu phát sóng (BTS) thân thiện với môi trường, phấn đấu đến năm 2020 đạt 50%. Theo bà, liệu chỉ tiêu này có khả thi không khi mà Hà Nội có đến cả chục nghìn trạm BTS?

- Việc chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh (loại A2) sang cột ăng ten không cồng kềnh, thân thiện với môi trường (loại A1) được thực hiện tại khu vực trung tâm chính trị Ba Đình; khu vực phố cổ; khu vực Hồ Gươm - vùng phụ cận và khu phố cũ thuộc địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ. Số lượng cột ăng ten tại khu vực này không nhiều và đây là yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm cảnh quan môi trường và mỹ quan đô thị theo quy định của UBND thành phố.

Để phấn đấu đến năm 2020 đạt 50% việc chuyển đổi cột ăng ten và hoàn thành trước năm 2025, Sở TT-TT cũng đã xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ theo lộ trình cụ thể với các doanh nghiệp.

- Vậy thành phố có cơ chế, chính sách như thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thực hiện quy hoạch?


- Thành phố đã yêu cầu sở, ngành chức năng ban hành quy định điều chỉnh đơn giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung trên địa bàn thành phố; quy định về cấp phép xây dựng công trình cột ăng ten và quy chế phối hợp trong công tác quản lý, xây dựng bảo trì và khai thác sử dụng công trình ngầm.

Thành phố cũng đã hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc cấp phép thi công, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các diễn đàn, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển và bảo đảm cảnh quan đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.