Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch sốt xuất huyết hạ nhiệt nhưng không được chủ quan

Thu Trang thực hiện| 29/10/2017 07:21

(HNM) - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết không còn làm “nóng” các cuộc họp như thời điểm tháng 8-2017. Dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố vẫn nhấn mạnh các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân không được chủ quan.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.


Đã khống chế hơn 4.900 ổ dịch

- Số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 10 tuần gần đây, vậy đến thời điểm này, người dân đã có thể hoàn toàn yên tâm sẽ không xảy ra đợt đỉnh dịch thứ hai vào tháng 11 tới không, thưa ông?

- Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết được chia làm ba cấp độ, gồm: Kiểm soát, khống chế và chấm dứt. Cách đây hai tuần, dịch sốt xuất huyết chính thức bước vào cấp độ được kiểm soát và khống chế. Điều đáng mừng, tại hầu hết các quận, huyện, thị xã số ca mắc mới không tập trung thành ổ dịch phức tạp. Hiện thành phố đã khống chế được hơn 4.900 ổ dịch (chiếm 95,5%), chỉ còn hơn 200 ổ dịch quy mô nhỏ. Thêm vào đó, có 50% xã, phường, thị trấn công bố đã kiểm soát được dịch, 50% còn lại vẫn tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống. Ngoài ra, theo bản đồ dịch tễ về dịch sốt xuất huyết, các quận, huyện ở mức báo động đỏ như: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì… đã chuyển sang màu da cam, màu vàng. Chúng ta phải giữ nhịp độ phòng, chống dịch thật tốt trong vòng bốn tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ hai xuất hiện.

- Hiện tại số ca mắc mới được ghi nhận vẫn ở mức cao, khoảng 800-1.000 ca/tuần. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

- Những năm trước, dịch sốt xuất huyết lưu hành trên địa bàn Hà Nội ở mức trung bình khoảng 5.000-6.000 ca/năm và khoảng 500 ca/tháng. Năm nay, do dịch bệnh đến sớm và diễn biến phức tạp nên xuất hiện đỉnh dịch đầu tiên vào tháng 8-2017. Và, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 34.000 trường hợp mắc, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Dù chúng ta đang ở “phần đuôi” dịch, nhưng vì số ca mắc mới xảy ra rải rác ở 30/30 quận, huyện, thị xã nên khi cộng dồn lại vẫn ở mức cao. Do vậy, toàn thành phố vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế số ca mắc mới và tử vong. Đặc biệt, ở các vùng bị ngập lụt thời gian qua là huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức phải tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, với tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh đến đó.

Vẫn còn tâm lý chủ quan

- Đánh giá về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết thời gian qua trên toàn địa bàn thành phố, theo ông, đã đạt được những mục tiêu đề ra?


- Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, số ca mắc sốt xuất huyết đã liên tục giảm trong thời gian qua. Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được mục tiêu đề ra. Nếu tiếp tục quyết liệt các biện pháp phòng, chống thì hết tháng 11-2017 có thể chấm dứt dịch sốt xuất huyết, chỉ duy trì số mắc ở mức lưu hành như các năm trước, với khoảng 500 ca/tháng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi và số hộ gia đình còn sót ổ bọ gậy ở một số nơi vẫn chưa triệt để. Trong lúc đỉnh dịch, các hộ dân chấp hành rất tốt các quy định phòng dịch nhưng khi dịch giảm xuống, việc thực hiện lại không tốt, xuất hiện tâm lý chủ quan. Thậm chí, việc tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm có nơi chỉ làm mang tính… hình thức.

- Thực tế cho thấy, tâm lý chủ quan của người dân sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại rất lớn và công sức chống dịch thời gian qua sẽ bỏ “xuống sông xuống biển”. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Đây là điều mà ngành Y tế lo ngại nhất vào thời điểm hiện nay. Dù số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm và giảm dưới ngưỡng 1.000 bệnh nhân/tuần, nhưng thời tiết hiện nay vẫn tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển, số hộ dân còn ổ bọ gậy vẫn cao. Thêm vào đó, hiện còn 8 quận, huyện có trên 50 bệnh nhân/tuần (chiếm tỷ lệ 66,2% toàn thành phố) nên nguy cơ dịch quay trở lại vẫn cao nếu lơi lỏng các biện pháp phòng, chống. Ngay tại thời điểm này, chúng tôi vẫn yêu cầu các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn tiếp tục tập trung thực hiện 5 biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết như thời điểm đỉnh dịch, trong đó tập trung lực lượng xử lý ổ dịch diễn biến phức tạp, ổ dịch mới phát sinh và bắt buộc duy trì hoạt động đội xung kích diệt bọ gậy. Các đoàn kiểm tra vẫn tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị…

- Những ngày gần đây thời tiết se lạnh nên người dân có thể cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động nữa nên bỏ qua việc diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt… Vậy ông có khuyến cáo gì?

- Nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Loại muỗi này chỉ ngưng hoạt động khi nhiệt độ xuống dưới 16 độ C. Thậm chí, ngay cả khi thời tiết se lạnh, nhưng vẫn mưa nhiều còn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi mạnh hơn. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, tuy dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm nhưng vẫn đang ở giai đoạn cao điểm vì theo chu kỳ, tháng 10, tháng 11 mới là đỉnh dịch. Vì vậy, người dân không được chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống.

Chuẩn bị phương án phòng dịch năm 2018

- Khi dịch sốt xuất huyết bước vào giai đoạn được khống chế, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được điều chỉnh, thay đổi thế nào để phù hợp với tình hình thực tiễn, thưa ông?


- Công tác chống dịch thời điểm này sẽ không dàn trải, tập trung vào từng khu vực cụ thể để tránh lãng phí và vẫn mang lại hiệu quả. Ngành Y tế Hà Nội đang tiến hành rà soát từng quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để phân loại nơi nào công bố không còn ổ dịch, nơi nào vẫn có số ca mắc gia tăng. Từ đó, lập danh sách mức độ diễn biến tình hình dịch sốt xuất huyết tại từng địa bàn để đưa ra nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cụ thể. Với xã, phường, thị trấn không còn ổ dịch sẽ tập trung thực hiện biện pháp dự phòng, những nơi đã giảm ở mức lưu hành như các năm trước thì tập trung xử lý triệt để ổ dịch nhỏ. Riêng những khu vực phức tạp sẽ tiến hành khoanh vùng trên dưới 1.000 hộ dân để phun thuốc diệt muỗi và tập trung mọi nguồn lực dập dịch triệt để.

- Ngoài các biện pháp nêu trên thì cần phải “mạnh tay” hơn trong việc xử phạt đối với hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch. Thế nhưng, con số xử phạt thời gian qua vẫn ít so với tình hình vi phạm trên thực tế, ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy! Trong thực tế, quyết định xử phạt đối với những người dân bất hợp tác trong phòng, chống dịch đã được pháp luật quy định từ khá lâu, nhưng chưa được chính quyền địa phương và người dân thực thi nghiêm túc. Trong khi để kiểm soát, tiến tới chấm dứt dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành Y tế còn cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Thực tế, nhiều hộ gia đình khá thờ ơ trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Chỉ cần có 10% số hộ gia đình không hợp tác, không chủ động diệt muỗi, bọ gậy thì dịch bệnh vẫn ẩn chứa và có thể bùng phát. Bởi, tại các hộ gia đình không tham gia phun hóa chất, muỗi sẽ tiếp tục sinh đẻ và tràn sang khu vực xung quanh.

Do vậy, việc đẩy mạnh các biện pháp chống dịch chỉ giải quyết phần ngọn, yếu tố nguy cơ gây bệnh mới là vấn đề cần giải quyết triệt để và phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để thay đổi ý thức, hành vi của người dân. Theo tôi, mỗi địa phương cần đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm hơn nữa đối với các hộ vi phạm. Nhưng trước khi xử phạt cần hướng dẫn, vận động các đơn vị, tổ chức, người dân thực hiện; khi vẫn không chấp hành thì tiến hành xử phạt theo quy định.

- Từ kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của năm nay, ngành Y tế sẽ có những bước chuẩn bị gì cho những năm tiếp theo, thưa ông?

- Ngay từ bây giờ, ngành Y tế Thủ đô đã lên kế hoạch, đưa ra các giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm 2018. Cụ thể, trong tuần tới, chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng đánh giá tình hình dịch sốt xuất huyết năm 2017. Sở Y tế sẽ mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế tham gia hội đồng để có những đánh giá khách quan nhất về nguyên nhân dịch sốt xuất huyết năm nay tại Hà Nội đến sớm và tăng cao như vậy; trong công tác phòng, chống dịch điều gì tốt, chưa tốt… Từ đó, rút kinh nghiệm, đưa ra các bài học cho công tác phòng, chống dịch năm 2018 và những năm tiếp theo.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch sốt xuất huyết hạ nhiệt nhưng không được chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.