Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng

Thu Trang| 31/12/2017 09:22

(HNM) - Cuối năm là thời điểm hàng hóa đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, vì vậy, số lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng sẽ nhiều hơn. Để ngăn ngừa mối họa trên, mỗi người tiêu dùng nên hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng trong sử dụng thực phẩm.


Làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo vệ sinh, an toàn thực phẩm TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền xung quanh vấn đề này.


Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền.


Thách thức vẫn không nhỏ

- Xin ông cho biết “bức tranh” chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của thành phố năm 2017 có gì mới?

- Trong năm 2017, toàn thành phố đã lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, nhận thức của những người tham gia công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm đã thay đổi rõ rệt, họ chủ động hoàn thành các thủ tục pháp lý như: Hồ sơ, các loại giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm, hợp đồng nguyên liệu đầu vào, tổ chức tập huấn, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, bảo đảm vệ sinh nhà xưởng, chế biến... Đây là những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, trong tổng số gần 111.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra vẫn phát hiện và xử lý vi phạm 22.562 cơ sở, phạt 7.213 cơ sở với tổng số tiền khoảng 37,5 tỷ đồng; đồng thời cơ quan chức năng cũng tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.

- Tết Dương lịch đã đến, Tết Nguyên đán cận kề khiến nỗi lo của người tiêu dùng về thực phẩm “bẩn” càng tăng lên. Qua thực tế kiểm tra, điều lo ngại nhất của ông về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay là gì?

- Nhiều năm qua, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” và luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Tuy nhiên, có thực tế, dù công tác quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song việc kiểm soát tình hình thực phẩm trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn. Thậm chí, khó loại trừ được hết các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn, nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng. Theo tôi, có 2 mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, đó là nhiễm khuẩn từ nguồn (trong quá trình sản xuất, nuôi trồng) do sử dụng thuốc trừ sâu không đúng, lạm dụng chất cấm, phụ gia công nghiệp và nhiễm vi sinh, ô nhiễm trong quá trình phân phối, chế biến, sử dụng...

- Hai mối nguy đó tồn tại là nhiều người chạy theo sức cám dỗ của lợi nhuận hay còn do khâu quản lý còn hạn chế?

- Theo tôi có cả hai mặt. Chỉ vì lợi nhuận, nên người nông dân đã lạm dụng thuốc trừ sâu; người chăn nuôi và thương lái sử dụng chất cấm; người chế biến thực phẩm sử dụng phụ gia công nghiệp. Trong khi đó, phòng kiểm nghiệm chưa đáp ứng việc phân tích một số chỉ tiêu hóa - lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách về vệ sinh, an toàn thực phẩm các tuyến còn thiếu, trình độ năng lực hạn chế. Do đó, để quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả, cần xác định đúng tận “gốc” vấn đề và tập trung giải quyết.

- Ông có cho rằng, hạn chế lớn nhất trong quản lý an toàn thực phẩm là việc xử phạt chưa nghiêm, thiếu tính răn đe?

- Thành phố luôn chỉ đạo và yêu cầu phải xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, không để “nhờn” luật, không để sai phạm lặp đi lặp lại. Có nhiều biện pháp được đưa ra như phạt tiền, đình chỉ sản xuất đến khi khắc phục xong vi phạm... Tuy nhiên, qua kiểm tra, có nơi chủ tịch UBND xã, phường còn chưa thực sự sâu sát thực hiện chỉ đạo của thành phố trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo quan điểm của tôi, phải xử phạt nghiêm minh, không bao che. Sau khi xử phạt cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Rõ trách nhiệm từng đơn vị


- Theo ông, trước mắt cần có những giải pháp nào để hạn chế thực phẩm “bẩn” làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là trong dịp Tết năm nay?

- Dịp Tết, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng tăng cao, nguy cơ thực phẩm mất an toàn từ các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui”, hoặc những cơ sở ý thức chấp hành pháp luật không cao đưa ra thị trường là rất lớn. Các mặt hàng như mứt, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, giò chả… thường đưa ra thị trường vào những ngày cận Tết. Hiện tại, công tác quản lý an toàn thực phẩm tập trung vào cơ sở sản xuất và kinh doanh bằng các hình thức tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, xử phạt… Những việc làm này được thực hiện trên diện rộng, “nhiều ngõ ngách”, tầng nấc, tiêu chí, yêu cầu khác nhau. Và càng làm chặt chẽ, thường xuyên và liên tục thì hiệu quả kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm càng cao. Muốn làm tốt điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp tích cực hơn nữa. Mặt khác, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm cần phân rõ và cụ thể hơn để thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan.

- Vậy, trong những ngày nghỉ Tết và dịp lễ hội Xuân 2018, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Trong những ngày nghỉ Tết, các đơn vị đều bố trí trực đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan đến vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt các thông tin về ngộ độc thực phẩm (nếu có). Nếu không may xảy ra ngộ độc thực phẩm thì việc đầu tiên là phải tổ chức cấp cứu nạn nhân kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả ảnh hưởng về sức khỏe.

Do tính chất thời vụ nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tham quan lễ hội còn mang tính tạm bợ, thời vụ. Chính vì vậy, kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với lễ hội cũng là một trong những nội dung rất quan trọng. Trong thời gian từ nay cho đến hết ngày 2-4-2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến thành phố tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận, huyện, xã, phường thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý.

- Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), khiến 37 người mắc và 10 trường hợp tử vong. Vào dịp cuối năm, rượu là một trong những mặt hàng được tiêu thụ nhiều, vậy việc kiểm soát được tiến hành ra sao?

- Trước tình trạng các vụ ngộ độc rượu methanol xảy ra thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, nhất là vào thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Sở Y tế Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…). Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công. Trong quá trình kiểm tra sẽ tập trung phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn.

- Ông có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết này?

- Người dân nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, chú ý ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Để có một cái Tết an toàn, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì trước hết, người dân nên mua hàng hóa có nhãn mác đầy đủ. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Riêng đối với các mặt hàng bánh, mứt nên chọn những sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tránh mua những sản phẩm có màu sắc lòe loẹt.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải lưu ý trong việc bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình, tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm bảo quản trước khi ăn.

Trong dịp Tết Nguyên đán được nghỉ dài ngày, người dân cần sử dụng thực phẩm ở mức vừa phải, nhất là với các sản phẩm giàu đạm, không nên sử dụng thái quá dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thống kê ở các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu, bia trong dịp Tết tăng rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông trong lúc vui Xuân, đón Tết. Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.