Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 26-NQ/TƯ để xây dựng đội ngũ cán bộ hiệu quả

Võ Lâm| 08/07/2018 07:24

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương triển khai sớm Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.


Lời giải cho những vấn đề thực tiễn

- Nghị quyết 26-NQ/TƯ có nhiều điểm mới, mang ý nghĩa đột phá, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng. Đồng chí suy nghĩ gì về điều này?


- Nghị quyết 26-NQ/TƯ được ban hành với những mục tiêu rất cụ thể cùng 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là 2 trọng tâm, 5 đột phá cho thấy tính toàn diện, khoa học và đổi mới của Đảng đối với một trong những nhiệm vụ then chốt. Đây là nghị quyết không chỉ thay thế Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn thể hiện một bước tiến mới về tư duy lãnh đạo của Trung ương, là căn cứ, định hướng quan trọng, đồng thời là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Hai trọng tâm và 5 đột phá mà Trung ương nêu trong nghị quyết theo tôi là hoàn toàn chính xác, cần thiết.

- Đồng chí có thể giải thích rõ hơn về tầm quan trọng của 2 trọng tâm và 5 đột phá trong Nghị quyết 26-NQ/TƯ?

- Những trọng tâm và đột phá được nêu trong nghị quyết thực chất là lời giải cho những vấn đề hạn chế, yếu kém về công tác cán bộ mà thực tiễn đang đặt ra, được Trung ương phân tích, chỉ rõ trong quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và những chỉ thị, nghị quyết khác liên quan đến công tác cán bộ.

Qua đó thể hiện rõ sự cần thiết, nếu không muốn nói là cấp thiết thôi thúc cần phải có giải pháp để thay đổi. Ví dụ trong trọng tâm đầu tiên được xác định là “có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Trên thực tế, có không ít cán bộ như vậy nhưng lại chịu thiệt thòi vì đụng chạm hoặc sai sót. Để đất nước đổi mới, nâng tầm, không những không thể thiếu được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, mà còn phải phát huy, nhân lên ngày càng nhiều những người như vậy. Vì vậy, phải có cơ chế để tạo hành lang, môi trường làm được điều đó.

Hay như đột phá đầu tiên là “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương” rất cần thiết, vì đây là khâu yếu của chúng ta trong nhiều năm qua. Không đánh giá thực chất, cứ “cào bằng” mãi thì cán bộ giỏi mất động lực cống hiến, cán bộ yếu kém không chịu sức ép phải vươn lên, kết quả công việc làng nhàng, không có đột phá. Không đánh giá thực chất thì không thể lựa chọn “đúng người, đúng việc”, càng không biết chính xác cần đào tạo, bồi dưỡng gì cho cán bộ...

Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, quan trọng nhất, cần thiết nhất phải đổi mới; là sự mong mỏi của cấp ủy các cấp và nhân dân, nên khi Trung ương chỉ đạo khâu đột phá này, tôi tin chắc sẽ thực hiện được. Có thể nói, mỗi trọng tâm hay đột phá trong nghị quyết khi được thực hiện hiệu quả sẽ kéo theo hàng loạt những đổi mới, quy tụ thành đổi mới toàn diện của cả hệ thống chính trị, đem lại lợi ích to lớn cho đất nước.

- 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong nghị quyết với nhiều đầu việc cụ thể liệu có gây khó khăn cho việc thực hiện không, thưa đồng chí?

- Tính khả thi của Nghị quyết số 26-NQ/TƯ không chỉ ở các trọng tâm, đột phá, mà còn thể hiện ở các nhiệm vụ, giải pháp rất toàn diện. Mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp đều được cụ thể từng nội dung để dễ nắm bắt. Ví dụ trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ”, bên cạnh việc đổi mới đánh giá cán bộ, Trung ương xác định luôn những việc rất cụ thể như xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ; xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài... Đổi mới công tác cán bộ là việc khó, nên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân.

Chủ động thực hiện sớm, có trọng tâm, trọng điểm

- Đến thời điểm này, Hà Nội đã và đang làm những gì để cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, thưa đồng chí?


- Từ quá trình tham gia góp ý xây dựng Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ, chúng tôi đã được Thường trực Thành ủy chỉ đạo sẵn sàng tâm thế để triển khai kịp thời, hiệu quả nghị quyết.

Ngay sau khi các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) được thông qua và ban hành, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tham mưu việc học tập, nghiên cứu, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, Ban Tổ chức Thành ủy được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ. Dự thảo kế hoạch đã được chúng tôi hoàn thành sớm, trải qua các bước lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm khoa học, khách quan, dân chủ. Chỉ vài ngày sau khi Ban Bí thư Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, dự thảo kế hoạch đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tại Hội nghị lần thứ mười bốn.

Trong tháng 7 này, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết trong toàn hệ thống chính trị, tuyên truyền đến nhân dân. Trên cơ sở kế hoạch của Thành ủy, các cấp ủy sẽ cụ thể hóa gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tổ chức mình.

- Xin đồng chí cho biết kế hoạch của Thành ủy có những điểm gì đáng chú ý?


- Phát huy tinh thần đổi mới của Trung ương, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, chúng tôi đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết theo hướng cụ thể, thực chất và hiệu quả, đề cao việc xác định rõ nhiệm vụ, công việc cụ thể cần làm; phân công trách nhiệm cho tập thể, cá nhân. Trong đó nêu rõ 20 nhiệm vụ thường xuyên mà cấp ủy toàn thành phố phải thực hiện, là căn cứ để toàn Đảng bộ thành phố soi chiếu vào nhằm kiểm điểm, đánh giá và làm tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Nội dung chính của kế hoạch là phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng tập thể, cá nhân liên quan được chia làm 11 nhóm. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị đều được nêu rõ đầu việc cụ thể. Chẳng hạn, Ban Tổ chức Thành ủy được giao chủ trì 10 nhóm nhiệm vụ với trên 30 đầu việc hay Ban Cán sự đảng UBND thành phố được phân công 8 đầu việc...

- Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điểm nhấn của nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, đồng thời đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền... Thành ủy Hà Nội có giải pháp như thế nào để thực hiện điểm nhấn này, thưa đồng chí?

- Thành ủy Hà Nội đã chủ động triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TƯ thuộc diện sớm nhất cả nước. Nổi bật là Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội thực hiện thống nhất từ ngày 1-7-2018. Đây là giải pháp đột phá của Đảng bộ thành phố nhằm khắc phục tình trạng “cào bằng” trong đánh giá cán bộ lâu nay; là bước đi tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp thành phố sau khi Hà Nội đã thực hiện quyết liệt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Kinh nghiệm thực hiện tại quận Long Biên, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Tài chính cho thấy, đổi mới đánh giá cán bộ theo Quyết định 3814-QĐ/TU là hoàn toàn khả thi. Để làm tốt việc này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò người đứng đầu. Với chức trách, nhiệm vụ của mình, Ban Tổ chức Thành ủy cùng các ban đảng Thành ủy sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cũng như tham mưu với Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra, giám sát, động viên khen thưởng những nơi làm tốt, chấn chỉnh, phê bình, xử lý kỷ luật những nơi làm chưa tốt.

Cùng với giải pháp đổi mới về công tác đánh giá cán bộ, Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp dưới của mình; đào tạo, bồi dưỡng gắn với kiểm tra, sát hạch chặt chẽ. Mục tiêu là để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng ngày càng đảm đương tốt hơn vị trí việc làm được phân công từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Làm tốt giải pháp về đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng, thuận lợi để Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp khác của Nghị quyết số 26-NQ/TƯ như kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, cải cách chính sách tiền lương...

- Đồng chí dự báo gì về những thay đổi của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, trong những năm tới?

- Rất khó để đưa ra dự báo vào lúc này, nhưng chúng ta đều cảm nhận được rằng, Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ được ban hành rất trúng và đúng. Với những giải pháp toàn diện, vừa bảo đảm tính lý luận, vừa gắn với thực tiễn, có tiếp thu, kế thừa những giải pháp cũ, có những giải pháp mới, mang tính đột phá chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị về xây dựng đội ngũ cán bộ thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 26-NQ/TƯ để xây dựng đội ngũ cán bộ hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.