Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục công khai danh tính cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy

Tiến Thành| 28/10/2018 06:56

(HNM) - Sau một năm thực hiện Kế hoạch số 128/KH - UBND ngày 1-6-2017 của UBND TP Hà Nội “Về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố


Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.


Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội để làm rõ vấn đề này cũng như những giải pháp tiếp tục thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Nâng cao hiệu quả quản lý

- Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật sau một năm thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND của UBND TP Hà Nội?


- Ngay sau khi Kế hoạch số 128/KH-UBND được ban hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã khẩn trương triển khai, trong đó chú trọng khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Qua công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố đã rà soát, đưa vào diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy 44.141 cơ sở (tăng 855 cơ sở so với năm 2017).

Trong đó có 8.235 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao (1.109 công trình cao tầng; 1.577 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar; 1 khu công nghệ cao; 8 khu công nghiệp; 86 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 133 làng nghề…).

Một năm qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn định kỳ, đột xuất đối với 65.253 lượt cơ sở thuộc diện quản lý; xử phạt hành chính 5.075 trường hợp với số tiền gần 18 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát, lập danh sách 1.147 cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”. Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện nhiệm vụ này.

Đặc biệt, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý 62 công trình tồn tại vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng và 114 cơ sở nhà cao tầng xe thang không tiếp cận được. Hàng nghìn bục bệ, cổng chào tại đường làng, ngõ xóm được tháo dỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho xe chữa cháy hoạt động khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Thành phố đã rà soát, thống kê 4.094 trụ nước chữa cháy, trong năm 2017 lắp đặt bổ sung 202 trụ nước và dự kiến giai đoạn 2018-2020 sẽ lắp đặt thêm 1.500 trụ. Nhằm khai thác tối đa các nguồn nước tự nhiên, UBND các cấp đã nghiên cứu, bố trí các bến lấy nước hoặc làm các hố ga thu nước cho xe, máy bơm chữa cháy.

Song song với đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, trong quy hoạch, xây dựng mới, cải tạo các khu đô thị, khu dân cư phải thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

- Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay?


- Thực tế cho thấy có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, Công an thành phố đã ban hành 6 kế hoạch; biên soạn 5 bộ tài liệu tuyên truyền và duy trì tuyên truyền qua hệ thống phát thanh tại các nút giao thông trọng điểm. Hình thức thông tin đa dạng, phong phú, cụ thể, thiết thực đã tác động đến từng người dân, cơ quan, doanh nghiệp. Từ đó, tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, trình độ, khả năng phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn…

Công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại cũng được chú trọng. Trong đó, thành phố đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, phục vụ chiến đấu; cử các đoàn sang các nước phát triển tập huấn, học tập kinh nghiệm; xây dựng các mô hình lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đáp ứng được yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Các cấp cũng có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội hóa phòng cháy, chữa cháy. Các phương án, cơ chế vận hành để huy động tối đa nguồn lực xử lý các tình huống cháy, nổ cũng được duy trì, chỉnh lý và lập mới.

- Qua công tác kiểm tra, rà soát thì những loại hình, cơ sở trọng điểm nào có nguy cơ cháy, nổ cao, thưa đồng chí?

- Có thể kể đến một số loại hình, cơ sở như nhà chung cư cao tầng, với 287/1.109 công trình qua rà soát đã phát hiện tồn tại, vi phạm, không bảo đảm điều kiện về an toàn phòng cháy. Trong khi đó, vẫn còn 27/79 công trình chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng chưa hoàn thành khắc phục.

Trên địa bàn thành phố cũng có 954/1.586 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường còn tồn tại, thiếu sót và vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, qua công tác kiểm tra, phát hiện 824 tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại các chợ; cơ quan chức năng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 71 lượt cơ sở, đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động tại 11 chợ. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng cũng tồn tại nhiều vi phạm, với 136 lượt cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động và 587 lượt cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Chưa kể, Hà Nội còn có gần 500 nghìn nhà ống, trong đó có hơn 120 nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh gây cản trở lối thoát nạn.

Siết chặt quản lý, nhân rộng cách làm hay

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy, thưa đồng chí?

- Đúng vậy. Một số hạn chế đó là, công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở còn không ít sơ hở. Cơ chế quản lý chưa rõ ràng, chặt chẽ dẫn đến việc kiểm tra, phát hiện vi phạm còn chậm và sót lọt. Mặt khác, việc xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy mới chỉ là bề nổi, chưa có những mô hình nổi bật để nhân rộng. Việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng chưa bảo đảm yêu cầu thực tế; trang thiết bị còn thiếu, hoạt động mang tính hình thức; tổ chức chữa cháy ban đầu còn lúng túng dẫn đến hiệu quả thấp.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của các đơn vị, cơ sở, nhất là người đứng đầu vẫn còn hạn chế, chủ quan, lơ là, dẫn đến hiệu quả khắc phục những tồn tại, hạn chế chưa cao; việc đầu tư cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy còn mang tính hình thức, đối phó.

- Thời gian tới, Công an thành phố với lực lượng chủ công là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ có những giải pháp gì để khắc phục những bất cập trên?

- Chúng tôi tiếp tục điều tra cơ bản, phân tích, đánh giá, phân loại mức độ nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy để đưa ra các giải pháp khắc phục, phòng ngừa thích hợp, hiệu quả. Song song với đó là khảo sát toàn diện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đánh giá những bất cập, trên cơ sở đó có giải pháp tháo gỡ.

Với những cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì định kỳ và đột xuất; qua đó kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động đối với những trường hợp vi phạm. Đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, chúng tôi sẽ đề xuất các cấp tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Công tác phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được chú trọng, nội dung sát với đặc thù từng loại hình, cơ sở. Cùng với công tác tuyên truyền về các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng cháy, chữa cháy, chúng tôi rất coi trọng việc đấu tranh, phê phán các tổ chức, cá nhân vi phạm, công khai danh tính các cơ sở không bảo đảm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân trên địa bàn thành phố như thời gian vừa qua.

- Với số lượng các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy lớn, xin đồng chí cho biết biện pháp để quản lý tốt hơn các cơ sở này?

- Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đưa vào ứng dụng thử nghiệm hệ thống cảnh báo cháy nhanh Safe One. Hệ thống được cấu thành từ các bộ phận như: Bản đồ số tích hợp, giao thông nguồn nước, các đơn vị công an, phòng cháy, chữa cháy, cơ sở y tế, cơ sở nguy hiểm về cháy nổ… Song song với đó, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã chủ động điều tra cơ bản, thu thập thông tin, số hóa dữ liệu cơ bản vào hệ thống.

Hiện tại, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã vận động 270 cơ sở lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh Safe One. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai số hóa dữ liệu các thông tin về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho gần 3.000 cơ sở trọng điểm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết đánh giá để tiếp tục nhân rộng. Tất cả nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục công khai danh tính cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.