Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng khá, quảng bá mạnh

Vũ Hoa| 20/09/2017 14:55

(HNMO)- Đã hơn một năm trôi qua từ khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay, du lịch của Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể.

Tăng trưởng đều đặn

Năm 2016, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,83 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2015 (cao hơn mức tốc độ tăng trung bình 8-10%/năm của giai đoạn 2016 - 2020 được Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội xác định), trong đó: khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 4,02 triệu lượt khách, tăng 23% so với năm 2015; khách du lịch quốc tế có lưu trú đạt 2,89 triệu lượt khách, tăng 24% so với năm 2015; khách du lịch nội địa đạt 17,81 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch đạt 61.778 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015. Công suất sử dụng phòng trung bình toàn khối năm 2016 đạt 59,02%, tăng 1,18% so với năm 2015, trong đó khối 3, 4, 5 sao đạt 65,08%. Ngày lưu trú bình quân đạt 1,45 ngày/khách. Trong đó, các thị trường khách quốc tế đứng đầu về lượng khách đến Hà Nội gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ, Pháp... Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cho 62% số nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.

Khách quốc tế tham quan tại một triển lãm ảnh ở Hà Nội (Ảnh: internet)


Trong 8 tháng đầu của năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 16 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 2.270.723 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa ước đạt hơn 12,9 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 47.586 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu cung cấp của các khu, điểm, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến các điểm cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó tiêu biểu như: Đền Ngọc Sơn đón 670.400 lượt khách; Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 1.077.100 lượt khách tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và phí thu về đạt 29.797 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ; Bảo tàng Dân tộc học đón 290.122 lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 99.658 lượt khách, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016; Khu Di tích danh thắng Chùa Hương đón 1.395.719 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, công suất sử dụng buồng phòng bình quân khối khách sạn ước đạt 58,12% (trong đó công suất khối khách sạn 5 sao đạt 78,42%, 4 sao đạt 60,19% và 3 sao đạt 46,35%), giảm 0,04% so với công suất bình quân trong 7 tháng đầu năm 2017 do tháng 8 là mùa thấp điểm của khách quốc tế. Giá phòng bình quân là 1,05 triệu đồng/phòng. Ngày lưu trú bình quân khối ước đạt 1,45 ngày/khách. Một số khách sạn có công suất hoạt động tốt là: Khách sạn Lotte Hanoi, Khách sạn Crowne Plaza, Khách sạn Sheraton Hà Nội...

Đổi mới mạnh mẽ về tuyên truyền, quảng bá

Thành phố đã chỉ đạo tạo đột phá trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để nâng cao quy mô và trình độ chuyên nghiệp trong thực hiện chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch. Cụ thể, tổ chức ký kết triển khai Chương trình hợp tác chiến lược với mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam trên kênh CNN quốc tế trong giai đoạn 2017- 2018 với tổng kinh phí 2 triệu USD. Nội dung thuộc chương trình đã được tổ chức phát sóng từ ngày 13-3-2017 trên hệ thống mạng tin tức truyền hình cáp CNN. Đây là những sản phẩm quảng bá thành phố Hà Nội được đầu tư bài bản, có sự tham gia, tư vấn, góp ý kiến của các chuyên gia sản xuất phim của mạng tin tức truyền hình cáp CNN; quảng bá những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội gắn với vùng Thủ đô. Đến nay đã hoàn thành đợt 1 với 2 phim quảng bá 60 giây, 5 phim ngắn 60 giây, 5 phim 3-5 phút và 1 chương trình 30 phút đạt kết quả tốt về hiệu ứng khán giả xem và truy cập mạng tin tức theo đúng thỏa thuận, hợp tác. Bên cạnh đó, đã lắp đặt 34 trạm phát internet không dây (wifi) miễn phí tại 19 điểm trong khu vực tuyến phố đi bộ hồ Gươm và phụ cận.

TP Hà Nội đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến. (Ảnh: Sở Du lịch Hà Nội cung cấp)


Thành phố cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan truyền thông, các hãng hàng không và các hãng lữ hành lớn trong và ngoài nước để kết nối, giới thiệu, quảng bá, hợp tác, khai thác, phát triển thị trường du lịch, kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp, tổ chức tại thị trường quốc tế và ngược lại. Cụ thể: Thành phố ký Thỏa thuận với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chương trình hợp tác tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội; tổ chức đón vị khách du lịch mang quốc tịch Đức là vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến xông đất Thủ đô Hà Nội năm 2017; tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa - du lịch như hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và triển lãm hoa anh đào Nhật Bản năm 2017, chương trình Hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017...

Ngoài ra, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước, với thủ đô, thành phố các nước, vùng lãnh thổ. Đến nay, 36 cơ quan quản lý về du lịch các tỉnh, thành phố trong nước đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội. Các hoạt động hợp tác được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Hà Nội với các địa phương; đồng thời triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh giai đoạn 2016-2020.

Hà Nội đã nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại dịch vụ bằng nhiều hình thức. Với thị trường trong nước, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2017 (tháng 4-2017), với 465 gian hàng của 672 doanh nghiệp, trong đó có 109 gian của các doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khoảng 3.000 lượt các doanh nghiệp đến làm việc tại Hội chợ và khoảng 61.000 lượt người đến tham quan và mua sản phẩm du lịch, VITM đã giữ vững vị trí là Hội chợ Du lịch quốc tế có quy mô lớn nhất Việt Nam. Tổ chức thành công Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 (tháng 10-2016) quy tụ 33/52 nghề truyền thống của Việt Nam, 30/47 nghề truyền thống của Hà Nội, với 260 khu không gian và gian hàng tham gia của 150 đơn vị, cá nhân. Trong 4 ngày diễn ra Liên hoan, đã có khoảng 3,5 vạn lượt khách đến dự. Tổ chức thành công chương trình Festival Áo dài Hà Nội 2016 (tháng 10-2016), thu hút hơn 30.000 lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan. Thành phố quyết định công nhận “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” cho các cơ sở thời trang LanHuong Fashion House, Chula Fashion House, Đỗ Trịnh Hoài Nam Fashion.

Với thị trường quốc tế, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội chợ xúc tiến du lịch tại các Hội chợ du lịch quốc tế Bắc Kinh - Trung Quốc; Hội chợ du lịch Jata 2016 tại Tokyo - Nhật Bản; Hội chợ du lịch TopResa 2016 tại Pháp; tham gia Hội chợ WTM du lịch thế giới 2016 tại London, Anh; Hội nghị lần thứ 15 Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á tại Jakatar - Indonesia; Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2017 tại Liên bang Đức...

Một năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội, ngành Du lịch Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng khá, quảng bá mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.