Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Mỏ vàng” giàu tiềm năng

Nguyễn Mai| 17/11/2017 05:56

(HNM) - Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dệt Triều Khúc, thêu Đại Đồng, sơn mài Hạ Thái... là những làng nghề lừng danh hàng trăm năm tuổi trên đất Thăng Long - Hà Nội. Được coi là

Khách quốc tế trải nghiệm làm gốm tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng.



Nét đặc sắc ở các làng nghề

Bà Tạ Thị Thu Hương, nghệ nhân làng nón lá Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) đang liên kết với các tour du lịch đưa khách về thăm làng và tham gia trải nghiệm quy trình làm nón. Trong thời gian lưu lại gia đình bà Hương, du khách được trực tiếp làm các công đoạn của một chiếc nón lá, như: Là lá, uốn vòng, khâu nón… Hiện mỗi tháng, gia đình bà Hương đón khoảng 10-15 đoàn, mỗi đoàn từ 3 đến 20 khách; giá dịch vụ là 50.000 đồng/khách. “Làm nghề là chính nhưng nếu kết hợp được với du lịch thì tốt hơn! Chúng tôi vừa có cơ hội quảng bá nghề truyền thống của quê mình, vừa có thêm thu nhập” - bà Hương chia sẻ.

Với 1.350 làng có nghề, trong đó có hàng trăm làng nghề truyền thống, những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, như: Làng dệt lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông… Du khách đến với làng nghề được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công và trải nghiệm một vài công đoạn sản xuất; khám phá các giá trị văn hóa truyền thống ẩn chứa trong từng sản phẩm của làng nghề, trong nét sinh hoạt đời thường của người dân địa phương.

Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Nguyễn Văn Thủy: Không chỉ tham quan, mua sắm, trải nghiệm nghề dệt, khách du lịch đến làng nghề Vạn Phúc được hòa mình trong không gian văn hóa đặc sắc với hệ thống các di tích đình, chùa, miếu. Đặc biệt, Khu di tích lịch sử Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 vẫn được lưu giữ nguyên vẹn… tạo thành tour du lịch độc đáo. Từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã đón khoảng 961 đoàn với 3.188 lượt khách nước ngoài và hơn 4.000 lượt khách trong nước đến tham quan kết hợp mua sắm sản phẩm làng nghề.

Tương tự, tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), từ đầu năm 2016, địa phương đã mở các tuyến xe điện đưa khách tham quan làng gốm và gặp gỡ nghệ nhân. Đặc biệt, cũng từ năm 2016, bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên ở Bát Tràng được thành lập đã trở thành điểm đến thú vị cho du khách. Đầu năm 2017, một số người dân Bát Tràng còn tổ chức dịch vụ homestay với các trải nghiệm dành cho du khách như tham quan làng nghề, tìm hiểu phương thức sản xuất và trực tiếp làm gốm sứ; thưởng thức ẩm thực đặc sắc của làng như bánh chưng, canh măng mực…

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, căn cứ vào các nghị quyết và quy hoạch phát triển du lịch của thành phố, Hà Nội xác định sản phẩm du lịch tập trung vào một số nhóm như: Tham quan làng nghề, phố cổ, lễ hội; phát triển trung tâm mua sắm gắn với hệ thống các làng nghề, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề... Để đạt mục tiêu đề ra, hằng năm, thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, nước sạch; cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức hội nghị gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ Thủ đô...

Cần chiến lược khai thác hiệu quả, bền vững

Mặc dù lợi thế rất lớn nhưng có thể thấy, du lịch làng nghề ở Hà Nội hiện còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Khắc Lợi (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) chỉ ra lý do: Hầu hết các công ty du lịch lữ hành mới chỉ dừng lại khai thác giá trị bề nổi của làng nghề; nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ không bảo đảm cho phát triển du lịch, giao thông không thuận lợi, hàng hóa tràn lan không rõ nguồn gốc xuất xứ, du khách bị chặt chém...

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, các làng nghề ở nước ta tuy nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng chưa có được sản phẩm hàng hóa thay đồ lưu niệm đặc trưng du lịch Việt Nam. Nhiều làng nghề tuy xuất khẩu đồ mỹ nghệ đến các nước nhưng chưa gắn với việc thu hút khách đến Việt Nam; việc xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch chưa được lưu tâm; chưa quan tâm tới thị trường lưu niệm bình dân... Đặc biệt, du khách nước ngoài rất thích khám phá, tìm hiểu làng nghề truyền thống của nước ta nhưng chúng ta chưa gây được ấn tượng để họ muốn quay trở lại…

Thực tế cho thấy, muốn phát triển được du lịch làng nghề thì nghề phải phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong công tác bảo tồn, giữ nghề. Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Thủy cho biết, nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất của làng nghề hiện nay chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác. Vì giá cả luôn biến động đã gây nhiều khó khăn cho các cơ sở sản xuất nguyên liệu, vì thế, các hộ làm nghề ở Vạn Phúc cũng không chủ động được việc sản xuất của mình. Ngoài ra, lượng hàng hóa tiêu thụ bị thu hẹp, không còn thuận lợi như những năm trước.

Tại làng nghề Bát Tràng, du khách đến đây chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm, các dịch vụ giới thiệu về lịch sử văn hóa, giá trị làng nghề, dịch vụ mới hình thành chưa có tính chuyên nghiệp, chưa kết nối được các điểm tham quan. “Điểm yếu của Bát Tràng là các dịch vụ du lịch mới hình thành mang tính tự phát. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa đồng bộ, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển du lịch hạn chế… Bát Tràng rất cần sự tư vấn, hỗ trợ của cơ quan chức năng và các đơn vị lữ hành để xây dựng sản phẩm du lịch bài bản hơn” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển gốm Bát Tràng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Để du lịch làng nghề không dừng ở tiềm năng đang là trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân và người dân làng nghề. Như tâm sự của nghệ nhân khâu nón Tạ Thị Thu Hương khi chúng tôi về thăm quê nón lá Phương Trung: Với du khách, khi về các làng nghề, điều thu hút họ chính là không gian văn hóa làng nghề Việt Nam với nét đặc sắc riêng có... Bởi vậy, chúng ta cần bảo tồn, duy trì, phát triển những giá trị đó kết hợp với sự chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Từ đó, loại hình du lịch làng nghề sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo hiệu quả tích cực, đa chiều cho người sản xuất, làng nghề và ngành Du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mỏ vàng” giàu tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.