Theo dõi Báo Hànộimới trên

9 quốc gia có độ cao địa hình trung bình đứng đầu thế giới

Theo Zing| 24/06/2018 11:33

Nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển cùng địa hình chủ yếu là núi cao, Nepal, Bhutan, hay Lesotho là những quốc gia có độ cao địa hình trung bình đứng đầu thế giới.


Bhutan: Bhutan là quốc gia có độ cao địa hình trung bình đứng đầu thế giới, khoảng 3.300 m so với mực nước biển. Phần phía Bắc của Bhutan là các đỉnh núi cao, sắc nhọn của dãy Himalaya, trong đó có Gangkhar Puensum là đỉnh núi cao nhất với độ cao gần 7.600 m. Phía Nam của Bhutan bao gồm các khu vực đồi núi, cao nguyên, thung lũng và là nơi cư trú của phần lớn cư dân Bhutan. Ảnh: Newmarketholidays.


Nepal: Nepal với độ cao địa hình trung bình đứng thứ hai trên thế giới, khoảng 3.250 m so với mực nước biển. Quốc gia này có địa hình đa dạng với đồng bằng sông Hằng bằng phẳng ở phía Nam, vùng trung tâm đồi núi và vùng núi cao phía Bắc. Bên cạnh đó, Nepal còn là nơi có đỉnh núi Everest cao nhất thế giới với chiều cao lên tới 8.848 m. Ảnh: Internationaltraveller.


Tajikistan: Tajikistan có độ cao trung bình địa hình cả nước khoảng 3.200 m so với mực nước biển, trong đó Turkestan, dãy núi cao nhất ở miền Tây Tajikistan có độ cao lên tới gần 5.500 m. Ảnh: Ttnotes.


Kyrgyzstan: Địa hình của Kyrgyzstan được xây dựng với các dãy núi tương đối trẻ, có các đỉnh cao, sắc nhọn được ngăn cách bằng những thung lũng sâu, trong đó, dãy núi Tian Shan và Pamir chiếm 65% diện tích của đất nước. Ngoài ra, nơi đây còn có các sông băng lớn. Trong đó, lớn nhất là sông băng Engilchek. Độ cao trung bình của Kyrgyzstan khoảng 3.000 m so với mực nước biển. Ảnh: Sputnik.


Lesotho: Ở Lesotho, các dãy núi chạy từ Bắc vào Nam và giảm dần về phía Tây. Trong đó, dãy núi Drakensberg-Maloti chiếm phần lớn diện tích của đất nước. Ngoài ra, đỉnh núi Thabana - Ntlenyana nằm ở phía Đông Lesotho, thuộc dãy núi Drakensber, chính là điểm cao nhất của miền Nam Châu Phi. Độ cao trung bình của quốc gia Châu Phi này là hơn 2.160 m so với mực nước biển. Ảnh: Vagabond.


Andorra: Andorra là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, nằm phía Tây Nam Châu Âu với những ngọn núi đồ sộ chiếm phần lớn diện tích lãnh thổ và có độ cao trung bình cả nước vào khoảng 2.000 m so với mực nước biển. Bên cạnh đó, núi Pic de Coma Pedrosa cao hơn 2.900 m, thuộc dãy Pyrenees là điểm cao nhất Andorra. Ảnh: Catalunyapress.


Afghanistan: Afghanistan có khoảng 75% địa hình là miền núi và 49% diện tích đất nước có độ cao trung bình trên 2.000 m trong khi độ cao trung bình cả nước là trên 1.880 m so với mực nước biển. Phần cao nhất của Afghanistan là khu vực dãy núi Hindu Kush, được coi là phần mở rộng của dãy Himalaya, chạy từ Đông Bắc sang Tây Nam Afghanistan. Ảnh: Onlinesbooking.


Chile: Chile có độ cao trung bình địa hình gần 1.880 m so với mực nước biển với phần cao nhất thuộc dãy núi Andes. Phía Đông, những đỉnh núi có độ cao trung bình lên tới gần 4.580 m. Ảnh: Andbeyond.


Trung Quốc: Cao nguyên Tây Tạng được coi là một trong những "mái nhà của thế giới" và là khu vực cao nhất của Trung Quốc nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Ngoài ra, Trung Quốc có nhiều khu vực có địa hình cao khác và trung bình độ cao khoảng 1.840 m. Ảnh: Tibetheritagefund.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
9 quốc gia có độ cao địa hình trung bình đứng đầu thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.