Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi dưỡng nhân lực quản lý du lịch: Làm bài bản, tạo hiệu quả thực tế

Minh An| 02/11/2018 06:57

(HNM) - Tại hội nghị bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch năm 2018 mới được Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, những vấn đề đặt ra được các học viên hào hứng đón nhận.


Tác dụng thiết thực

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đội ngũ phụ trách mảng du lịch ở các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn có điểm du lịch vẫn còn mỏng, chất lượng cán bộ không đồng đều. Số người được đào tạo chuyên ngành du lịch không nhiều. Thống kê cho thấy, toàn thành phố có 114 cán bộ quản lý về du lịch, bao gồm cán bộ, công chức Sở Du lịch; cán bộ, viên chức phụ trách xúc tiến du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố và cán bộ, công chức chuyên quản lý lĩnh vực du lịch tại UBND quận, huyện, thị xã. Ước tính, chỉ có chưa đến 1/3 quận, huyện, thị xã có cán bộ chuyên trách về du lịch được đào tạo cơ bản; còn lại là “tay ngang”. Trong khi đó, cán bộ phụ trách du lịch tại các phường, xã, thị trấn có điểm du lịch đều là kiêm nhiệm.

Một lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quang


Như vậy, không phải tất cả cán bộ phụ trách du lịch đều nắm vững nghiệp vụ. Chẳng hạn, nhiều nơi chỉ thống kê số khách tới những điểm đến do Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện quản lý, “bỏ qua” số liệu về khách tại điểm du lịch của doanh nghiệp trên địa bàn nên không thể đánh giá đầy đủ về hiệu quả du lịch tại địa phương để đưa ra giải pháp phát triển hợp lý. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Khoa học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), đó là kiến thức cơ bản cần được giới thiệu với học viên các lớp tập huấn.

Theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch năm 2017-2018 của Sở Du lịch Hà Nội, có 69 lớp đào tạo được tổ chức. Đến nay, gần 50 lớp đã được mở, dành cho cán bộ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về du lịch các cấp và người tham gia phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.

Vấn đề “tay chính”, “tay ngang” trong đội ngũ làm du lịch tại Hà Nội thể hiện rõ trong câu chuyện của chị Lê Thị Lâm, cán bộ phụ trách du lịch thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất. Cho đến khi tham dự hội nghị bồi dưỡng kiến thức liên quan tới công tác quản lý nhà nước về du lịch, chị Lâm mới nhận nhiệm vụ phụ trách mảng du lịch được hai tuần. Chị Lê Thị Lâm cho biết: “Bài học thu được từ lớp tập huấn giúp tôi nhanh chóng thích nghi với công việc. Kiến thức về Luật Du lịch năm 2017, cách kết nối với doanh nghiệp và du khách, xây dựng sản phẩm du lịch… đều có tác dụng thiết thực, giúp chúng tôi tham gia nhiều hơn vào việc đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương”.

Còn ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn nhận định: “Kiến thức, khả năng triển khai công việc của cán bộ phụ trách du lịch tại địa phương đã nâng lên đáng kể sau khi tham gia các lớp tập huấn. Ngoài các lớp do thành phố mở, huyện Sóc Sơn cũng tổ chức lớp tập huấn về kiến thức du lịch cho khối cán bộ văn hóa huyện, xã, thị trấn, các chủ doanh nghiệp du lịch...”.

Các quận, huyện Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì… cũng đã tổ chức lớp tương tự. Riêng quận Bắc Từ Liêm còn tổ chức cho cán bộ làm công tác du lịch đi học tập thực tế về công tác phát triển du lịch mô hình du lịch cộng đồng - homestay.

Tránh hình thức

Một trong những phần việc quan trọng của ngành Du lịch Hà Nội trong quý IV-2018 là tiếp tục triển khai “Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, trong đó thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho 420 cán bộ, công chức, viên chức quản lý du lịch trên địa bàn TP Hà Nội. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề cần thiết với người làm công tác quản lý du lịch như “Đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch khi thực hiện Luật Du lịch năm 2017”, “Nâng cao kỹ năng kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch”, “Triển khai nội dung quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch”…

Chị Lê Thị Lâm cho biết: “Những vấn đề được đưa ra trao đổi, thảo luận đều rất hữu ích, nhưng cần nhiều thời gian để làm rõ hơn. Thế nên, tôi mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn được tổ chức”.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, các lớp tập huấn dành cho cán bộ phụ trách du lịch sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Nguyên tắc xuyên suốt là “bảo đảm chất lượng, tránh hình thức”. Tuy nhiên, hiệu quả tập huấn cũng phụ thuộc vào thái độ cầu tiến của học viên. Chỉ khi từng người ý thức rõ về yêu cầu nâng cao trình độ thì Hà Nội mới có được đội ngũ cán bộ quản lý du lịch đồng đều và đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi dưỡng nhân lực quản lý du lịch: Làm bài bản, tạo hiệu quả thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.