Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phát triển du lịch di sản văn hóa

Tuệ Diễm| 10/12/2018 06:49

(HNM) - Trải qua chặng đường gần 320 năm hình thành và phát triển, TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều công trình di sản văn hóa về kiến trúc, bảo tàng được xây dựng.

Nhà thờ Đức Bà - một trong những di tích văn hóa tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh.


Trong gần 320 năm qua, TP Hồ Chí Minh xây dựng nhiều công trình di sản bắt đầu từ các kiến trúc hạ tầng như bến cảng, công sở, biệt thự, nhà hát, bảo tàng, thư viện, ngân hàng, chợ và các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là những di tích lịch sử được xem là "cột mốc văn hóa", là biểu tượng nhận diện của thành phố. Nhắc đến TP Hồ Chí Minh là du khách nhớ đến chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất... Tuy có số lượng di sản lớn nhưng các điểm đến này chưa phát huy được thế mạnh.

Bà Phan Yến Ly, Trưởng ban Phát triển sản phẩm khối nội địa - Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết: "Hiện nay chỉ vài điểm đến di tích tại TP Hồ Chí Minh đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch như: Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Hầu hết các bảo tàng còn lại chưa thu hút được du khách...".

Thực tế, việc đưa các di sản vào khai thác du lịch gặp nhiều khó khăn. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, các di sản ở thành phố bố trí không đồng đều tại các quận, huyện, chủ yếu tập trung khu vực quận 1, 3, 5 và huyện Cần Giờ, Củ Chi. Ở trung tâm thường gặp hạn chế về việc thiếu chỗ đỗ xe, thiếu lịch hoạt động biểu diễn nghệ thuật cố định. Còn các điểm di sản ở xa thì mất nhiều thời gian di chuyển do tình trạng kẹt xe.

Để bảo tồn các di tích, tạo ngân sách hoạt động cho các bảo tàng, năm 2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã cho phép tăng giá vé tham quan bảo tàng từ 2.000-5.000 đồng lên 30.000-40.000 đồng. Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, dù giá vé tăng nhưng lượng khách tham quan vẫn tăng hơn năm 2017 tới 20%. Từ đó, bảo tàng có kinh phí tổ chức lại các hoạt động trưng bày, sưu tầm kỷ vật, các hoạt động thu hút khách du lịch.

Thực tế chứng minh, ở các bảo tàng thường xuyên có những chương trình đổi mới thì luôn nhận được sự quan tâm của du khách. Bà Nguyễn Thị Thanh Diệu - đại diện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết: "Chúng tôi thường tổ chức một số hoạt động mang tính nhân văn như biểu diễn hát bội, múa rối, kịch, xiếc cho các nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, bảo tàng còn kết hợp với Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tổ chức chuyên đề như "Tình yêu và chiến tranh" qua bản đờn ca tài tử...".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phân tích: "Một đô thị đang phát triển mạnh mẽ như TP Hồ Chí Minh sẽ có sự xung đột giữa xây dựng đô thị hiện đại và bảo tồn di tích cổ xưa. Nhưng chúng ta nên nghiên cứu di tích nào cần bảo tồn, phát huy đưa vào nội dung phát triển du lịch, di tích nào có thể dỡ bỏ để ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị".

Ngoài các di tích thuộc sở hữu nhà nước, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều di tích thuộc sở hữu tư nhân như: Biệt thự, nhà cổ, các đền, miếu. Tuy nhiên, một số chủ biệt thự, nhà cổ không muốn kê khai tài sản vào hạng mục cần duy tu, bảo trì vì họ muốn dỡ bỏ, xây dựng công trình kinh doanh như cao ốc văn phòng, nhà ở tân thời.

Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi kết hợp với Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh tiến hành vận động, giải thích cho các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình di sản rằng, sự hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị du lịch giúp xây dựng, phát huy được giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển du lịch di sản văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.