Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trào lưu mới ở châu Á

Kim Phượng| 04/09/2011 07:18

(HNM) -Một thăm dò mới đây trên tờ Economist (Anh) đã gây không ít bất ngờ khi kết quả cho thấy giới nữ trẻ châu Á đang có xu hướng lấy chồng muộn hoặc không muốn kết hôn.

Trước đây, nhiều người châu Á dễ dàng đồng ý với quan điểm "với phụ nữ, hạnh phúc chính là gia đình". Thế nhưng ngày nay nhiều chị em chọn cách kết hôn muộn hoặc sống độc thân và tự kiếm cho mình một đứa con. Theo Economist, độ tuổi trung bình để kết hôn ở một số nước và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển trong khu vực châu Á, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), đã lên đến 29 - 30 tuổi với phụ nữ. Độ tuổi kết hôn này cao hơn cả Mỹ và châu Âu. Tại Mỹ, phụ nữ thường lập gia đình ở tuổi 26, còn nam giới là 28. Trước đây, nếu đến tuổi này mà chưa có chồng phụ nữ châu Á đã bị cho là "ế", "quá lứa lỡ thì" và nếu cách đây 30 năm, chỉ 2% phụ nữ châu Á chọn cách sống độc thân thì giờ đây đến hơn 20% phụ nữ ở tuổi 30 chưa lập gia đình.

Nhiều phụ nữ châu Á đã lựa chọn cuộc sống độc thân.


Ở Thái Lan, phụ nữ đến tuổi 40 chưa lập gia đình đã tăng từ 7% (năm 1980) lên 12% (trong những năm gần đây). Tại Singapore, 27% số người tốt nghiệp các trường đại học trong độ tuổi từ 40 và 44 không kết hôn. Trong khi đó tại Nhật Bản số phụ nữ độc thân chiếm một phần ba tổng số phụ nữ của đất nước này. Xu hướng sống độc thân thể hiện rõ nhất ở các thành phố lớn như Tokyo với 35% phụ nữ ở độ tuổi 30 nhưng vẫn chưa có ý định lập gia đình. Không những thế, phụ nữ châu Á cũng sinh ít con hơn. Số con trung bình trong suốt cả cuộc đời đã giảm từ 5,3 vào cuối những năm 1960 xuống dưới 1,6 như hiện nay. Đây là "sự thay đổi rất mạnh trong thời gian tương đối ngắn" - ông Gavin Jones thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét. Thậm chí nhiều chàng trai ở Hàn Quốc phàn nàn rằng phụ nữ đang "đình công trong hôn nhân".

Sự thay đổi về quan điểm hôn nhân của phụ nữ châu Á được lý giải rằng, áp lực về tài chính và sự hiện đại hóa đã tác động mạnh đến cuộc sống gia đình, khiến vai trò của phụ nữ trong gia đình thay đổi. Trước đây phụ nữ châu Á thường gặp khó khăn hơn trong đời sống hôn nhân do truyền thống văn hóa khá cầu kỳ, khi kết hôn, người phụ nữ thường phải đảm nhiệm vai trò kép. Đó vừa là người chăm sóc, lo lắng, thu vén lại vừa là trụ cột của gia đình.

Đặc biệt, phụ nữ châu Á thường được khuyến khích kết hôn với một người đàn ông có thu nhập và giáo dục cao hơn. Nhưng nay thì hoàn toàn khác, vị trí của chị em trong xã hội ngày càng được nâng lên và những mong đợi của họ cũng khác so với thế hệ trước. Nhiều phụ nữ có học vị cao hơn đàn ông nên rất khó tìm "nửa kia" thích hợp. Ngược lại, những người đàn ông có học vấn thấp hay có năng lực kiếm tiền kém thường cảm thấy e ngại trước một phụ nữ tài năng. Anh Lee người Singapore khẳng định: "Đàn ông châu Á thích có một người vợ ít học hơn mình".

Cuối cùng, kết hôn muộn hoặc sống độc thân như một trào lưu mới ở châu Á hiện nay được cho là nguyên nhân góp phần làm mất cân bằng trong xã hội; đồng thời tạo ra không ít vấn đề về nhân khẩu học khi dân số già đi nhanh chóng. Ngoài ra, khi tỷ lệ kết hôn giảm còn được cho là nguyên nhân đẩy tỷ lệ tội phạm tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trào lưu mới ở châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.