Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: “Nước sơn” không phải là tất cả

Hoàng Lân| 09/08/2017 08:24

(HNMO) - Dù có “nước sơn” được phủ lớp mới mẻ, hấp dẫn thì người nghệ sĩ chẳng thể nào thay đổi được tài năng tự thân của chính họ.

 Bản lĩnh từ những lời chê

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, họ chỉnh sửa nhan sắc không phải vì bản thân muốn vậy mà do áp lực dư luận với những lời lẽ miệt thị, chê bai khiến họ trở thành người tự ti, xấu hổ với chính mình. Câu chuyện của Đức Phúc là ví dụ điển hình. Theo lời tâm sự của anh, ham muốn thay đổi gương mặt là do phải chịu quá nhiều áp lực từ những lời chê bai của công chúng. Khi đứng trên sân khấu với ngoại hình mập mạp, Đức Phúc đã hoàn toàn mất tự tin khi phải nghe những lời rèm pha về ngoại hình không cân xứng với giải thưởng mà mình giành được.

Đức Phúc quyết định phẫu thuật thẩm mỹ sau khi trải qua nhiều áp lực.


Á hậu Việt Nam Hoàng My cũng có những lời chia sẻ từ đáy lòng về việc cô phải chịu rất nhiều tủi hổ khi bị công chúng chê bai là “quốc sắc răng vẩu”. Theo lời kể của người đẹp, sau khi đăng quang, cô trở nên tự ti, xấu hổ với bản thân vì bị chê xấu, răng vẩu. Từ những lời bình phẩm tưởng chừng vô hại nhưng dần dần những lời chê, thậm chí có những phán xét cay độc từ dư luận khiến người đẹp không còn tự tin vào nhan sắc dù cô đăng quang ngôi vị Á hậu và được đại diện Việt Nam tham dự hai cuộc thi là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới. Hoàng My từng có ý định “đập” cả hàm răng để trồng lại răng mới, khắc phục nhược điểm “răng vẩu”.

Người của công chúng thường phải chịu nhiều lời khen chê, bình phẩm, đôi khi có cả sự nghiệt ngã, phũ phàng của dư luận. Với nhiều người khi xác định bước chân vào làng giải trí thì họ sẵn sàng đối diện với dư luận. Người không đủ bản lĩnh trước áp lực rất dễ bị mất phương hướng, tự ti với chính bản thân mình.

Trong những câu chuyện về thẩm mỹ, có những trường hợp thay đổi ngoại hình để tìm cơ hội tiến thân nhanh vào showbiz, nhưng cũng có không ít người thay đổi chỉ để khiến mình tự tin hơn trước đám đông. Đôi khi sự thay đổi ấy giống như một liều thuốc an thần giúp họ tự an ủi bản thân, vượt qua áp lực. Có một điều chắc chắn rằng, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ có thể thay đổi được vỏ ngoài, chẳng có cuộc đại phẫu nào thay đổi được tài năng, tính cách của từng người.

 Biến nhược điểm thành lợi thế

Ca sĩ Tùng Dương, người từng được ví là Trương Chi của âm nhạc Việt Nam (ý nói đến ngoại hình không đẹp nhưng có giọng hát trời phú) tâm sự rằng, thuở mới đi hát anh bị nhiều người chê xấu, tự bản thân cũng thấy mình không có lợi thế ngoại hình. “Tôi biết điểm yếu và điểm mạnh của mình. Tôi vẫn bị chê xấu nhưng tôi nghĩ, với ca sĩ thì quan trọng nhất là giọng hát và phong cách, những hạn chế về ngoại hình hoàn toàn khắc phục được”, Tùng Dương thẳng thắn. Nam ca sĩ cũng bày tỏ quan điểm, làm đẹp là quyền của mỗi người nhưng đừng bao giờ đổ lỗi cho dư luận đẩy mình đến việc phải thay đổi ngoại hình. Mỗi người cần có bản lĩnh riêng để quyết định những thay đổi của bản thân, nhất là thay đổi trên cơ thể của mình.

Ca sĩ Tùng Dương và Trần Thu Hà biết tạo sự khác biệt trong phong cách, ngoại hình.


Khi nói về xu hướng giới trẻ chỉ lo vẻ bề ngoài, ca sĩ Mỹ Tâm đã thẳng thắn nhận xét: “Những bạn nghệ sĩ nếu quá chú trọng ngoại hình hơn giọng hát thì sẽ không thành công lâu dài được, bởi nhan sắc cũng chỉ là nhất thời mà thôi”. Thực tế, trong làng giải trí Việt, có rất nhiều nghệ sĩ có ngoại hình khiêm tốn nhưng họ lại có sự nghiệp thành công, được công chúng nhớ đến nhờ tài năng thực thụ. Nhiều người còn biến nhược điểm của hình thể thành ưu điểm được mọi người nhớ đến. Trong một chương trình biểu diễn, khi nói về nhan sắc có phần lép vế so với những ca sĩ cùng thời, ca sĩ Trần Thu Hà nói vui rằng, cô có vẻ đẹp hội họa và cô yêu vẻ đẹp không cần giống ai ấy. Trần Thu Hà tạo phong cách riêng từ gương mặt góc cạnh của mình. Ca sĩ Tùng Dương cũng là một trong số nghệ sĩ khôn ngoan xây dựng cá tính riêng từ vẻ ngoài gai góc. Khán giả nhớ đến Tùng Dương một phần vì sự khác biệt ấy. Sau cuộc thi Vietnam Idol, khi được hỏi về hạn chế ngoại hình, ca sĩ Thảo Trang tự nhận mình có kiểu “xấu lạ”, ý nói vẻ ngoài tuy không đẹp nhưng lại có sức hấp dẫn riêng để ai cũng phải nhớ.

Susan Boyle và Adele là những nghệ sĩ lớn gặt hái nhiều thành công dù có vẻ ngoài xù xì, mập mạp.


Nhìn rộng ra thế giới, có không ít nghệ sĩ khiến khán giả cả thế giới “phát cuồng” nhờ giọng hát xuất chúng dù họ không có nhan sắc lộng lẫy. Điển hình như hiện tượng Susan Boyle (sinh năm 1961) với vẻ ngoài xù xì, xấu xí đã về nhì cuộc thi "Britain’s Got Talent" 2009. Sau khi giành giải cuộc thi này, cô ra album “I dreamed a dream” phá kỷ lục ở Anh. Hay như “Họa mi nước Anh” – Adele Laurie Blue Adkins với thân hình mập mạp nhưng bằng giọng hát đầy nội lực, Adele đã gặt hái nhiều giải thưởng lớn của quốc tế, sở hữu nhiều ca khúc được yêu thích nhất.

Những ví dụ trên để cho thấy, với người nghệ sĩ, tài năng là yếu tố quan trọng nhất để chinh phục công chúng. Nghệ sĩ rất cần sự thay đổi để khám phá bản thân nhưng nếu sự thay đổi ấy chỉ ở vẻ bề ngoài mà không phải là sự đổi mới về tư duy nghệ thuật, về bản lĩnh và phong cách riêng thì chẳng thể giúp người nghệ sĩ có chỗ đứng lâu dài trong lòng công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: “Nước sơn” không phải là tất cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.