Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đại học: Chờ một cuộc “cách mạng” về học phí

Quỳnh Phạm| 03/11/2014 06:23

(HNM) - Đối với giáo dục đại học, việc người học phải đóng đủ học phí ở mức mà các trường có thể trang trải chi phí đào tạo được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế.



Tuy nhiên, ở các trường công lập Việt Nam, điều này chỉ có thể thực hiện sớm nhất vào năm 2018, khi Nghị định quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được ban hành, có hiệu lực. Để chuẩn bị, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo nghị định để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Sinh viên Đại học FPT tại thư viện của trường. Ảnh: Bảo Lâm


Học phí chỉ đáp ứng 40-50% chi phí đào tạo cần thiết

Việc ban hành nghị định nói trên có thể tháo gỡ những hạn chế của cơ chế tài chính được áp dụng từ nhiều năm qua, với mức học phí thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên. Việc phân bổ ngân sách nhà nước hiện nay cho các trường mang tính bình quân, không gắn với nhu cầu, cơ cấu ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo. TS Nguyễn Trường Giang, chuyên gia tham vấn của Bộ GD-ĐT phân tích: Chính sách học phí của Việt Nam đã được giữ nguyên trong thời gian hơn 10 năm (từ 1998 đến 2009), đến năm 2010 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP với mức điều chỉnh theo lộ trình tăng dần 20-25% mỗi năm. Tuy nhiên, theo tính toán, đến năm 2015, mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được từ 40% đến 50% chi phí đào tạo cần thiết. Ngoài ra, cơ chế tự chủ tài chính còn nhiều bất cập nên việc thực hiện tự chủ còn thiếu thực chất. Một số cơ sở đào tạo được giao thí điểm tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên như các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Hà Nội… nhưng do Nhà nước thiếu chính sách khuyến khích cần thiết nên chưa thúc đẩy được các trường này chuyển từ loại hình tự chủ một phần sang tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Do những hạn chế về nguồn thu nói trên, các cơ sở giáo dục ĐH công lập hầu hết không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm chất lượng, không có đủ nguồn tài chính để cải thiện thu nhập cho giảng viên, không thu hút và giữ chân những giảng viên có trình độ, chuyên tâm giảng dạy. TS Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo dẫn đến mức hỗ trợ mang tính chất bình quân đối với tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên. Trong khi đó, thực tế cho thấy tỷ lệ sinh viên của các gia đình có thu nhập cao chiếm tỷ trọng không nhỏ trong các cơ sở giáo dục ĐH. Điều này dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp vô hình trung đang trợ cấp ngược cho người giàu.

Tới năm 2018, sẽ tính đủ chi phí

Các cơ sở đào tạo và nhà quản lý nhìn chung đều nhận ra những nghịch lý nói trên. Tuy nhiên, để phù hợp với khả năng chi trả của người dân và sự đồng thuận của xã hội, việc tính đủ chi phí đào tạo ĐH cần được thực hiện theo một lộ trình nhất định. Dự thảo nghị định quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã nêu ra lộ trình này. Theo đó, đến năm 2015, mức giá dịch vụ sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập. Đến năm 2016, mức này, ngoài những mục trên, sẽ có thêm chi phí quản lý chung của đơn vị. Đến năm 2018, mức giá tính đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản cố định. Tùy tình hình thực tế, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương (hoặc cơ quan được ủy quyền) có quyền quyết định đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện được thực hiện trước lộ trình nói trên hay không.

Quyền tự chủ về tài chính cũng được dự thảo nghị định gắn với mức độ tự chủ, tự chịu trách nghiệm của các trường. Các đơn vị được chia làm 3 loại với mức độ tự chủ khác nhau: Tự chủ hoàn toàn, tự chủ và chưa tự chủ. Trong đó, những trường được xác định là tự chủ hoàn toàn được quyết định mức học phí bình quân tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước. Trường cũng được quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức bình quân tối đa) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức bình quân trong trường không vượt quá mức tối đa nêu trên; khoản giá dịch vụ ngoài học phí tính theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí.

Lộ trình tính chi phí đào tạo, dịch vụ cùng với việc xác định mức độ tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo công lập được hy vọng sẽ tạo điều kiện xây dựng được một hệ thống giáo dục ĐH có chất lượng, gắn với mục tiêu công bằng và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, các cơ quan quản lý cần ban hành những tiêu chí chất lượng tối thiểu và khuyến khích các trường cung cấp dịch vụ đào tạo với chất lượng cao hơn mức đó tùy theo nhu cầu của người học cũng như người sử dụng lao động. Việc này sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đào tạo thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết giảm mức thu học phí phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học: Chờ một cuộc “cách mạng” về học phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.