Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Gieo chữ” cho người Việt Nam ở nước ngoài - Bài 1: Những nỗi trăn trở

Quỳnh Dương| 07/09/2017 07:02

(HNM) - Những năm qua, nhiều giải pháp nhằm gìn giữ tiếng mẹ đẻ đã được triển khai nhưng trên thực tế việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài vẫn phải đối mặt với nhiều trăn trở, thách thức…

Một buổi dạy tiếng Việt của cô Nguyễn Thanh Tâm, Trường tiếng Việt Sao Mai, Berlin (Đức).


Thách thức với thế hệ người Việt trẻ

Nếu thường xuyên tham dự các hoạt động của Trại hè thanh, thiếu niên kiều bào do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức trong những năm gần đây có thể thấy, số lượng các em học sinh, sinh viên không nói thành thạo tiếng Việt không còn cá biệt. Việc chỉ có thể nghe, hiểu lõm bõm, nói đôi chút tiếng mẹ đẻ đã khiến các em e dè hơn trong tiếp xúc, tham gia các chương trình giao lưu và khó giao tiếp nếu không có người phiên dịch. Nỗi buồn là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt đã gây trở ngại cho các em khi trở về quê hương, thậm chí gặp rắc rối trong chính gia đình mình.

Trao đổi tại buổi tọa đàm về thực trạng dạy - học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài mới diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, chính ông đã từng chứng kiến chuyện “cười ra nước mắt” khi thăm một người thân tại Đức. Nữ chủ nhân ngôi nhà sang Đức đã lâu, song vốn tiếng Đức rất hạn chế.

Trong khi đó, con chị được sinh ra tại Đức lại không nói được tiếng Việt nhiều. Bất đồng ngôn ngữ đã gây ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” trong quá trình dạy dỗ khiến hai mẹ con có những hiểu lầm, giận nhau đến cả tuần. Ông Hinh cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa bố mẹ và con cái ngày càng trở nên xa cách là điều khó tránh khỏi.

Theo chia sẻ của nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, hầu hết họ có xu hướng định cư lâu dài và hội nhập dần vào cộng đồng nước sở tại. Vì công việc bận rộn, khu vực sinh sống phân tán, thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng không nhiều nên việc duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang là thách thức lớn đối với các thế hệ thứ 2, thứ 3.

Chị Nguyễn Thu Hương, hiện sống tại thành phố Frankfurt (Đức) cho biết, chị sang Đức theo diện xuất khẩu lao động đến nay đã gần 40 năm. Thời kỳ đầu sau khi nước Đức thống nhất, cả hai vợ chồng chị đều đi làm công nhân trong các nhà máy rất vất vả. Về đến nhà lại lao vào nội trợ, dọn dẹp nên có phần chểnh mảng trong việc dạy con học tiếng Việt từ nhỏ.

Lúc đó, ở Frankfurt đã có một số lớp dạy tiếng Việt do cộng đồng mở ra song chị không có thời gian đưa con đi học dù rất muốn. Đến giờ, 2 con chị đã lớn, chuẩn bị đi làm nên việc thuyết phục con đi học để sử dụng thành thạo tiếng Việt rất khó.

Mở, duy trì trung tâm dạy tiếng Việt gặp khó khăn

Nguyên nhân lớn nhất khiến việc học tiếng mẹ đẻ khó khăn là do tâm lý dễ chán nản khi tiếp cận với một ngôn ngữ khá phức tạp về cả mặt ngữ pháp và thanh điệu. Ngoài ra, với thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài, tiếng Việt chủ yếu chỉ được dùng khi giao tiếp với cha mẹ hoặc ông bà, họ hàng tại Việt Nam. Còn lại, toàn bộ thời gian ở trường, ra ngoài xã hội, các em, các cháu phải sử dụng ngôn ngữ bản địa. Chỉ có số ít gia đình cha mẹ nghiêm khắc quy định các con chỉ được nói tiếng Việt khi ở nhà thì những cô bé, cậu bé này mới thành thạo tiếng mẹ đẻ hơn.

Cũng chính vì lý do trên nên việc duy trì các trung tâm dạy tiếng Việt ở nước ngoài vô cùng khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thanh Tâm ở Trường tiếng Việt Sao Mai Berlin (Đức) - ngôi trường đã 11 năm tuổi - chia sẻ: “Với nhiều cháu, văn hóa Việt Nam vẫn quá xa lạ trong khi cha mẹ bận bịu không thu xếp được thời gian để giúp con em mình. Bên cạnh đó, nhiều gia đình do nhà xa nên chỉ đưa con đi học được 2 đến 3 tháng rồi xin dừng. Vì thế, việc vận động học sinh tới trường, giữ các em ở lại trường cũng khó khăn không khác gì vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam đi học”.

Mở lớp tại những quốc gia có nhiều người Việt như Đức, Ba Lan, Thái Lan đã khó, làm được việc này ở những nước có số lượng người Việt ít như Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển còn vất vả gấp bội. Theo chị Hà Kim Chi, người trở về từ Torino (Italia) để tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, ở Torino không có nhiều người Việt sinh sống. Vì vậy, dù đã ấp ủ mong muốn mở lớp dạy tiếng Việt để giúp thế hệ trẻ không quên nguồn cội nhưng chị vẫn chưa thể thực hiện được.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt, trong rất nhiều diễn đàn, hội nghị có sự tham gia của cộng đồng kiều bào trong thời gian gần đây, thực trạng không nói và viết được tiếng mẹ đẻ của những người Việt trẻ tại nước ngoài đã được đề cập. Đây cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người luôn đau đáu với ước nguyện lưu giữ và truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc ở nước ngoài.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gieo chữ” cho người Việt Nam ở nước ngoài - Bài 1: Những nỗi trăn trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.