Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm thu đầu năm học khi nào chấm dứt?

Thống Nhất| 28/09/2017 06:53

(HNM) - Những ngày vừa qua, việc một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh; hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hải Phòng viết đơn xin ra khỏi ngành Giáo dục… dường như là sự phản ứng khá mạnh đối với vấn nạn lạm thu đầu năm học.

Những khoản thu đầu năm học luôn là mối quan tâm của xã hội. Ảnh: Giang Sơn



Nhiều khoản thu bất hợp lý

Không phải ngẫu nhiên, kiến nghị về việc giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh lại nhận được sự đồng thuận của không ít người. Nhìn lại những sự việc lạm thu thời gian qua, có thể thấy sự hiện diện rõ nét của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng đoàn Kiểm tra công tác thu chi tại một số trường học đầu tháng 9 cho biết, các trường đều có chung một điểm sai là quy định mức thu đối với các khoản thu tự nguyện, chưa có sự thỏa thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh. Ví dụ, Trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh) thu tiền lắp máy điều hòa 1 triệu đồng/học sinh, tiền máy chiếu 500 nghìn đồng/học sinh. Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) thu khoản đóng góp đầu năm của hơn 250 phụ huynh có con vào lớp 1 với tổng số tiền hơn 408 triệu đồng, trong đó người đóng mức cao nhất là 5 triệu đồng, thấp nhất là 300 nghìn đồng...

Thu tự nguyện vẫn là khoản thu “nóng” nhất, luôn gây bức xúc đối với phụ huynh và dư luận xã hội. Bà Nguyễn Vân Anh, phụ huynh học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Thạch Bàn A (quận Long Biên) bức xúc: “Nhà trường đưa ra mức thu 500 nghìn đồng/học sinh để lắp điều hòa khiến phụ huynh chúng tôi rất bất bình, bởi điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn rất khó khăn. Việc hỗ trợ để nhà trường cải thiện điều kiện học tập của con là cần thiết, song phải phù hợp với điều kiện sống của số đông và khả năng tài chính của từng người. Vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh chính là thấu hiểu, thể hiện được mong muốn của đa số phụ huynh, chứ không phải là “cánh tay nối dài” của nhà trường”. Tương tự, một phụ huynh lớp 3, Trường Tiểu học Chúc Sơn A (huyện Chương Mỹ) cho biết, ngoài khoản thu thuê thiết bị tin học 40 nghìn đồng/học sinh/tháng, nhà trường còn có khoản thu thuê trang thiết bị công nghệ thông tin với mức 40 nghìn đồng/học sinh/tháng. Mặc dù thấy bất hợp lý, song không ai dám có ý kiến, thế nên đành “phải” tự nguyện.

Năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các văn bản có liên quan đến thu chi nhằm bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tế. Nhiệm vụ, quyền hạn của cha mẹ học sinh sẽ được quy định cụ thể hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ rà soát, niêm yết danh mục các khoản thu không được huy động từ phụ huynh để hạn chế tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh lạm dụng danh nghĩa nhà trường để thu nhiều, thu sai.


Đừng để “không quản được thì cấm”

Ý kiến của nhiều hiệu trưởng trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, nếu chỉ nhìn nhận sự việc ở góc độ phiến diện mà phủ nhận vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh nói riêng, phụ huynh nói chung trong việc chăm lo, đầu tư cho việc học tập của con trẻ là chưa đúng. Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ, một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là “tăng cường quan hệ của nhà trường với gia đình và xã hội”, “gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình”…

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Trần Thị Kim Liên (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội) nhận định, sự đồng hành của phụ huynh, trong đó có Ban đại diện cha mẹ học sinh đã giúp bà vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng của 3 trường THCS tại Hà Nội. Một trong những nguyên nhân gây ra bức xúc về thu chi là do nhiều nơi đưa ra một số khoản thu vô lý, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động không đúng điều lệ, làm sai quy trình…

Có một thực tế là, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng chỉ phần nào giải tỏa được những băn khoăn, bức xúc từ dư luận, và cũng chỉ là xử lý theo sự việc. Để giải quyết dứt điểm, theo ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết luận kiểm tra, thanh tra sẽ đạt hiệu quả cao nếu các địa phương cùng vào cuộc để kiên quyết xử lý các vi phạm, trước hết là xử lý nghiêm khắc hiệu trưởng nơi để xảy ra lạm thu. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thanh tra đột xuất về những sai phạm trong hoạt động thu chi của các nhà trường và giám sát chặt khâu hậu kiểm.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường kiểm soát chặt các khoản thu ngoài học phí; nhà trường phải cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định. Việc xử lý kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu nhà trường và các cá nhân, đơn vị có sai phạm về thu chi cũng được nêu rõ tại công văn này.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, ý kiến của các nhà trường cho rằng, cần có thêm vai trò của chính quyền địa phương để việc bố trí kinh phí bảo đảm cơ cấu chi theo đúng Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước với tỷ lệ 80% kinh phí dành cho chi lương và các khoản theo lương; 20% kinh phí để tổ chức các hoạt động giáo dục. Việc bố trí đủ cơ cấu chi này sẽ góp phần để các trường bảo đảm các hoạt động giáo dục tối thiểu, bớt đi những tính toán về việc thu thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm thu đầu năm học khi nào chấm dứt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.