Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ bản giữ ổn định phương thức thi

Thống Nhất| 09/10/2017 07:19

(HNM) - Thông tin mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và kéo dài ít nhất đến năm 2020 khiến hầu hết giáo viên, phụ huynh, học sinh thở phào nhẹ nhõm.

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2018 đến 2020 vẫn được dùng để xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Viết Thành



Duy trì hai bài thi tổ hợp

Sau vài năm liên tục điều chỉnh phương án tổ chức thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, về cơ bản, việc đăng ký dự thi, tổ chức bài thi và các môn thi sẽ được giữ ổn định, tức là ngoài các bài thi độc lập vẫn có hai bài thi tổ hợp là khoa học xã hội (gồm ba môn thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học). Nhằm tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của các trường đại học, cao đẳng, bài thi tổ hợp có điểm chung của toàn bài và điểm của từng môn thành phần, được chấm theo thang điểm 10. Ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh, phương án này sẽ được giữ ổn định ít nhất đến năm 2020. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới. Việc tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính cũng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét để có thể áp dụng trong vài năm tới.

Nhiều phụ huynh, học sinh, đại diện lãnh đạo trường học tỏ ý đồng thuận với chủ trương nói trên. Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, đây là phương án thi tối ưu, giúp giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém.

Ghi nhận tại Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), hầu hết học sinh tỏ ra phấn khởi trước chủ trương giữ ổn định phương án thi. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc công bố sớm phương án tổ chức thi từ nay tới năm 2020 không chỉ giúp học sinh lớp 12 yên tâm ôn tập cho kỳ thi sắp tới, mà còn giúp giáo viên, học sinh lớp 10, lớp 11 biết rõ định hướng để dạy, học, ôn luyện. Hiện nay, nhà trường tổ chức biên chế lớp dựa theo nguyện vọng đăng ký thi của học sinh, trong đó có 5 lớp đăng ký học theo bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, 7 lớp theo tổ hợp khoa học xã hội.

Lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia: Năm 2018, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Năm 2019, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT - bao gồm cả chương trình lớp 10, lớp 11, lớp 12. Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi minh họa các môn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà chỉ ban hành công văn hướng dẫn dạy học, ôn tập. Nhà trường và học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn này kết hợp với các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 làm tài liệu tham khảo.



Chưa hết băn khoăn

Năm 2018 là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia với hai bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. “Việc cho phép chọn cả hai bài thi tổ hợp làm tăng cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng cũng là thách thức không nhỏ, bởi cần phải ôn luyện tới 9 môn (6 môn của hai bài thi tổ hợp và 3 môn thi độc lập). Chúng em rất cần sự hỗ trợ của thầy, cô giáo để có phương án lựa chọn hiệu quả” - Nguyễn Đình Trung, Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) bày tỏ.

Cô giáo Trần Thị Mỹ Dung, giáo viên môn lịch sử, Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho rằng, hiện đã sắp hết nửa học kỳ I, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi minh họa như năm trước thì cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn dạy và học để giáo viên, học sinh có định hướng sớm. Liên quan tới bài thi tổ hợp, cô giáo Trần Thị Mỹ Dung đề xuất tăng thời gian nghỉ giải lao giữa ba môn thi thành phần của bài thi tổ hợp để giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên coi thi. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú ý hơn về độ vênh giữa các mã đề để bảo đảm sự công bằng cho học sinh.

Giáo viên dạy môn vật lý Đoàn Kiều Oanh, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) tỏ ý băn khoăn: “Theo như công bố, đề thi năm 2018 có thêm phần kiến thức lớp 11 chứ không chỉ có kiến thức lớp 12 như năm trước, vậy tỷ lệ câu hỏi trong đề thi cụ thể như thế nào? Các câu hỏi có đan xen hay được sắp xếp theo thứ tự trong đề thi?”.

Cũng liên quan đến đề thi, theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng đến các điều kiện xây dựng ngân hàng đề thi, như huy động đội ngũ giảng viên đại học, giáo viên phổ thông tham gia; thực hiện chuẩn hóa câu hỏi thi theo quy trình khoa học… Đề thi cần có tính phân hóa cao hơn để đánh giá chính xác năng lực của học sinh, tạo căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có quy định theo hướng giảm việc sử dụng các tiêu chí phụ trong xét tuyển đại học, cao đẳng nhằm bảo đảm sự bình đẳng cho học sinh giữa các vùng, miền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ bản giữ ổn định phương thức thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.