Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, sử dụng các khoản thu trong trường học công lập: Nhiều lúng túng, bất cập

Việt Tuấn| 14/11/2017 07:11

(HNM) - Việc quản lý sử dụng nguồn thu bảo đảm đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của từng địa bàn vẫn gặp khó khăn.


Các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra bảo đảm sự thống nhất trong xử lý các trường hợp thu, chi không đúng quy định. Ảnh: Nhật Nam


Nhiều khoản thu chưa hợp lý

Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND TP Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố, quy định thu tiền bán trú, tiền học phẩm, nước uống và bồi dưỡng giáo viên dạy 2 buổi/ngày… Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường đã tự ý đặt ra các khoản thu không hợp lý như: Tiền phông bạt, hỗ trợ soạn giảng, đề kiểm tra, mua ghế sắt, bồi dưỡng nhân viên bảo vệ đêm, thuê thiết bị công nghệ thông tin, thi học kỳ… khiến phụ huynh học sinh không khỏi bức xúc.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, hằng năm, Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã đều ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý thu, chi học phí và các khoản thu khác đối với các đơn vị trực thuộc theo phân cấp, song vẫn có nhiều trường không thực hiện đúng quy trình, quy định. Riêng năm học 2017-2018, Sở đã chỉ đạo dừng triển khai thu hoặc trả lại tiền đã thu đối với các khoản không đúng quy định, quy trình thu tại 16 trường. Trong đó, Trường Mầm non Vạn Phúc (Thanh Trì) thu tiền mua ti vi và hỗ trợ chăm sóc cây xanh; Trường THCS Văn Quán (Hà Đông) thu tiền mua máy chiếu; Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức) thu tiền lắp điều hòa; Trường Tiểu học Hải Bối (Đông Anh) thu quỹ khuyến học và hỗ trợ soạn giảng; Trường THCS Phạm Hồng Thái (Mê Linh) thu tiền mua ghế nhựa; Trường THPT Đông Anh thu tiền photocopy tài liệu…

Sớm sửa đổi một số quy định

Kết quả đợt khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố tuần qua cho thấy, nguyên nhân của việc lạm thu trong các trường học do một số hiệu trưởng không nắm rõ quy trình triển khai các khoản thu tự nguyện; chưa làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc xây dựng cơ chế giám sát quản lý, sử dụng các khoản thu tự nguyện. Vì vậy, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý thu các khoản không đúng quy định, trong khi đó nhà trường không giám sát được.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố nhận định, ngoài việc tổ chức thu các mục không đúng quy định còn có tình trạng, một số trường để ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra huy động tiền, mua thiết bị tặng lại nhà trường. Điều này không đúng với tinh thần của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó có một số khoản thu phát sinh hợp lý, nhưng chưa hợp pháp (Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố không quy định) như: Học phí tham gia câu lạc bộ kỹ năng sống; tiền điện điều hòa; sổ liên lạc điện tử; học bổ trợ ngoại ngữ; trông giữ ngày thứ bảy... khiến các trường lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các khoản thu.

Để quản lý tốt các khoản thu, chi theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT theo hướng quy định rõ chức năng phối hợp, giám sát và trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc giám sát quá trình huy động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên nếu để ban đại diện cha mẹ học sinh huy động các khoản đóng góp không đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu cho UBND TP Hà Nội bãi bỏ nội dung quy định ở Điều 11, Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố về thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương, bên cạnh sửa đổi một số nội dung quy định trong các thông tư, quyết định trên, UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí mua sắm, cải tạo chống xuống cấp trong kế hoạch ngân sách hằng năm, nhằm bảo đảm điều kiện dạy và học tốt nhất cho học sinh. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường thanh, kiểm tra, có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời các cá nhân, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các khoản thu, chi không đúng quy định.

Trong lúc chờ sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các quy định, một số nơi còn lúng túng trong sử dụng các khoản thu xuất phát từ nhu cầu thực tế (câu lạc bộ, tiền điện điều hòa, sổ liên lạc điện tử, trông giữ ngày thứ bảy), do vậy rất cần có sự phối hợp sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã để rà soát, thống nhất khoản thu, chi đầu năm học; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong xử lý các trường hợp thu, chi không đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng các khoản thu trong trường học công lập: Nhiều lúng túng, bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.