Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiêm khắc xử lý học sinh vi phạm về giao thông

Hoàng Minh| 23/01/2018 06:14

(HNM) - Không chỉ “đầu trần” phóng xe máy điện, xe đạp điện tốc độ cao, phớt lờ các quy định về an toàn giao thông, nhiều học sinh khối THPT trên địa bàn Hà Nội còn đi xe máy đến trường.

Mặc dù, ban giám hiệu các trường học đã tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn ở mức báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời xử lý nghiêm khắc hơn nữa các vi phạm của học sinh.

Vi phạm

7h ngày 18-1, có mặt tại cổng Trường THPT Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm), phóng viên nhận thấy, số học sinh không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi xe máy điện, xe đạp điện “không đếm xuể”. Nhiều học sinh treo mũ bảo hiểm ở xe, “đầu trần” chạy xe vào trường, song không gặp bất cứ trở ngại gì. Đáng nói, tại đây vẫn còn tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường và gửi xe trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt (đoạn giáp cổng trường).

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín) không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện.


Tương tự, khảo sát tại một số trường THPT khác như Kim Liên (quận Đống Đa); Quang Trung (quận Hà Đông); Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); Tân Lập (huyện Đan Phượng)… tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và không đội MBH khi đi xe máy điện, xe đạp điện vẫn diễn ra phổ biến. Chỉ trong khoảng 10 phút quan sát trước cổng các nhà trường trước giờ vào lớp hay mỗi buổi tan học, phóng viên ghi nhận hàng trăm trường hợp học sinh không đội MBH. Hệ lụy của việc không đội MBH khi xảy ra tai nạn đã hiện hữu, nhưng bất chấp nguy hiểm, các em vẫn “đầu trần” phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí vừa đi vừa trêu đùa nhau trên đường.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) và Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động, công an một số quận, huyện đều thừa nhận tình trạng học sinh THCS và THPT vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra nhiều, trong đó hành vi vi phạm phổ biến nhất là không đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; học sinh đi xe máy trên 50cm3 đến trường khi chưa có giấy phép lái xe. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh và một bộ phận phụ huynh học sinh còn hạn chế; công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến vi phạm tái diễn…

Cần gửi danh sách học sinh vi phạm đến trường học


Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết, khó nhất trong việc xử lý hiện nay là khi bị dừng xe kiểm tra, nhiều học sinh sợ hãi, khóc lóc; có trường hợp không khai báo trung thực tên, tuổi, địa chỉ, đồng thời viện ra nhiều lý do dẫn đến vi phạm như vội, sợ muộn học… Ngoài ra, một số học sinh không có tiền nộp phạt hành chính, trong khi phụ huynh không hợp tác kịp thời với lực lượng chức năng khi con em mình vi phạm.

Cũng theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài, trong năm 2017 và tháng 1-2018, toàn thành phố đã xử lý 261.232 trường hợp không đội MBH khi đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện. Tuy nhiên, vì những khó khăn kể trên nên số học sinh vi phạm bị xử lý chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở.

Chung quan điểm, Thiếu tá Chu Văn Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động Công an huyện Đan Phượng cho rằng, hầu hết học sinh khi nhìn thấy lực lượng Cảnh sát giao thông cắm chốt hoặc tuần tra đã quay đầu bỏ chạy, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Hơn nữa, nhiều học sinh không mặc đồng phục khi đi xe, sau khi gửi xe ở các gia đình xung quanh cổng trường mới mặc và đi bộ vào trường… nên việc xử lý không dễ thực hiện.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng), cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan đến an toàn giao thông tới học sinh toàn trường, những năm gần đây nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý, xử lý học sinh vi phạm, như nhắc nhở trước cờ, mời phụ huynh đến gặp lãnh đạo nhà trường, hạ hạnh kiểm nếu tái phạm… Tuy nhiên, do ý thức chấp hành của một bộ phận học sinh còn hạn chế, phụ huynh vẫn dung túng cho con em mình, nên vẫn còn tình trạng học sinh không đội MBH khi đi xe máy điện, xe đạp điện.

Được biết, từ tháng 4-2015 đến nay, Công an TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử phạt hành vi không đội MBH cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện. Ngành Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; tổ chức ký cam kết với phụ huynh không giao xe máy khi học sinh chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội MBH cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông... Nhưng, sau mỗi đợt ra quân tuyên truyền, xử lý, vi phạm lại tái diễn.

Do đó, cùng với việc chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến phụ huynh, học sinh, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh hơn, xử lý nghiêm khắc và gửi danh sách học sinh vi phạm đến các nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm khắc xử lý học sinh vi phạm về giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.