Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cởi trói" trong đào tạo giáo viên

Thanh Tàu| 26/02/2018 07:13

(HNM) - Dự thảo

Nhiều điểm mới

Theo dự thảo, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo giáo viên của các trường sẽ được căn cứ trên 2 tiêu chí: Số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo tính trên một sinh viên chính quy và yêu cầu về chủng loại, số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển năm 2017.


So với Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 32) về xác định chỉ tiêu tuyển sinh với các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Thông tư lần này có một số điểm mới được đánh giá là có sự “cởi trói” cho các trường. Điển hình, ở tiêu chí tỷ lệ sinh viên/giảng viên, ở khối ngành I (nhóm ngành đào tạo giáo viên), số lượng sinh viên giảm từ 25/giảng viên (theo Thông tư 32) xuống còn 20 sinh viên/giảng viên theo dự thảo.

Hệ số giảng viên có trình độ đại học theo dự thảo chỉ còn 0,3 trong khi Thông tư 32 là 0,5. Hay như tiêu chí về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy, dự thảo Thông tư quy định không thấp hơn 2,8m2, còn Thông tư 32 chỉ ở mức 2,5m2.

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư cho phép các trường được sử dụng giảng viên thỉnh giảng (có trình độ thạc sĩ trở lên) để tính chỉ tiêu. Đây là điều kiện “mở” mà Thông tư 32 không có. Cụ thể, đối với các ngành đào tạo giáo viên sẽ không tính giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Những khối ngành khác được tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi. Khối ngành nghệ thuật được tính tối đa bằng 30% tổng giảng viên cơ hữu quy đổi. Với giảng viên tham gia giảng dạy nhiều khối ngành thì chỉ tính vào một khối ngành để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Hiến kế về giảng viên thỉnh giảng

Đánh giá về những nội dung của dự thảo, ông Trương Tiến Sĩ, giảng viên - chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, giảng viên của các trường gồm giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng đến từ các trường trong và ngoài nước, từ các viện nghiên cứu, các tổ chức - doanh nghiệp. Một trường đại học mạnh thì không chỉ dựa trên đội ngũ giảng viên cơ hữu mà còn phải mở rộng giao lưu hợp tác giảng dạy - nghiên cứu và trao đổi học thuật với giảng viên ngoài trường, gồm cả đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm đã nghỉ chế độ. Vì vậy, việc dự thảo Thông tư quy định vấn đề giảng viên thỉnh giảng là hoàn toàn hợp lý.

Vấn đề này, theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, có thể quy định thêm số lượng giảng viên thỉnh giảng nước ngoài có trình độ cao cũng là một căn cứ tính chỉ tiêu tuyển sinh. Vì nhiều trường hiện nay đã có một đội ngũ giảng viên đến từ các trường đại học danh tiếng nhiều nước, là nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề giảng viên thỉnh giảng được đưa vào dự thảo giúp các trường tính đúng, tính đủ năng lực của mình và tạo điều kiện để các trường mời doanh nghiệp và chuyên gia tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát đúng quy định của Nhà nước về giảng viên thỉnh giảng để tránh tình trạng có giảng viên trình độ cao ghi danh đăng ký dạy ở quá nhiều trường dẫn tới không bảo đảm chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cởi trói" trong đào tạo giáo viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.